MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai chuyên gia bàn luận về chơi Tết ở miền Nam và miền Bắc. Ảnh: NSX.

Ý nghĩa việc chơi Tết của miền Bắc và miền Nam qua góc nhìn của chuyên gia

ĐÔNG DU LDO | 14/02/2024 14:51

Tại chương trình Kính đa chiều trên VTV9, khán giả có dịp lắng nghe chia sẻ của Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm và MC Phương Uyên khi bàn về chủ đề Tết Nam – Bắc. Đặc biệt, chương trình còn có sự góp mặt của diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang qua video phỏng vấn nhanh.

Một chủ đề luôn được đem ra bàn luận và không bao giờ cũ, đó là ngày Tết. Tết ở hai miền Nam – Bắc đều có sự giống và khác nhau.

Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm, điểm giống lớn nhất là giá trị và điểm khác lớn nhất là các biểu hiện của những giá trị ấy. Tùy vào hoàn cảnh sống ở từng vùng miền mà qua đó phát sinh ra nhiều tập tục phù hợp với hoàn cảnh.

Tại chương trình, một video phỏng vấn nhanh diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang được chia sẻ. Ông nói, đối với văn hóa Tết ở miền Nam không thể thiếu bánh tét và bánh ít. Trong văn hóa Nam bộ, khi làm các món bánh trái hay món ăn, không chỉ có văn hóa về thuần phong mỹ tục mà trong đó còn có triết lý của kinh dịch.

“Bánh tét từ chữ tiết mà ra, chữ tiết là tên của một trong 64 quẻ kinh dịch đó là thủy – trạch – tiết. Thủy là nước, trạch là cái ao, ao mà đầy nước thì nơi đó con người sinh sống thịnh vượng”, diễn giả văn hóa Hồ Quang Nhựt phân tích.

Đối với đạo diễn Lê Hoàng - giữ vai trò host của chương trình, chính sự thiếu thốn làm cho sự đầy đủ của ngày Tết trở nên giá trị vô cùng.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm cũng đồng tình với ý kiến này. Nói về ẩm thực ngày Tết, giáo sư Trần Ngọc Thêm cho hay, miền Bắc có hai loại là bánh chưng vuông và bánh chưng Tày (giống bánh tét nhưng khác đôi chút về chất liệu), miền Nam có thêm bánh tét với hai loại nhân, mặn (dùng để ăn) và nhân chay (dùng để cúng và để ăn).

“Vui như Tết” là cụm từ phổ biến được dùng ở cả hai miền Nam Bắc, bởi ngày Tết có những thứ ngày thường không bao giờ có. Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm quan sát, thói quen “ăn Tết” ngày xưa thì nay đã chuyển sang thói quen “chơi Tết”.

Bên cạnh đó, cách chơi hoa của hai miền cũng phản ánh tính cách con người. “Tính cách người miền Bắc trầm ẩn, tế nhị, tinh tế nên hợp với màu sắc “ẩn hiện” của hoa đào. Trong khi đó người miền Nam lại sôi nổi và chân thật nên hợp với màu sắc nổi bật của hoa mai”, giáo sư Trần Ngọc Thêm chia sẻ.

Theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, đối với người dân Nam Bộ, vào ngày Tết thường nấu món thịt kho trứng. Đây là một cách hình tượng hóa với trứng là hình tròn, thịt cắt khối vuông to tạo thành thế “vuông-tròn”.

“Vuông - tròn hay âm - dương trở thành cặp song hành để chúc phúc”, diễn giả Hồ Nhựt Quang cho hay.

Với mâm ngũ quả, ở mỗi miền cũng có sự khác nhau nhưng đối với Nam Bộ, tên các loại quả đặt trên mâm ngũ quả không đơn thuần là âm điệu theo cách nghĩ bình dân mà trong đó còn có âm điệu của Nho học. “Mỗi loại trái cây sẽ có chữ Nho mà ông bà ngày xưa có đặt tên”, diễn giả Hồ Nhựt Quang cung cấp thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn