MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công đoàn Giáo dục Việt Nam vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2023. Ảnh: CĐ GDVN

Cần quy định rõ về chế độ lương đối với nhà giáo, người lao động

Minh Hạnh LDO | 01/12/2023 17:52

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 là sự kiện chính trị trọng đại của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Theo TS Lương Thị Việt Hà - Trưởng Ban Tuyên giáo Nữ công, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đoàn viên, cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) ngành Giáo dục mong muốn Ban chấp hành nhiệm kỳ mới sẽ có thêm nhiều cơ chế chính sách để chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Ngày 1.12, trao đổi với PV Báo Lao Động về những kỳ vọng của đoàn viên, người lao động về Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, TS Lương Thị Việt Hà cho biết, các công đoàn viên nói chung và đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) ngành Giáo dục nói riêng đang kỳ vọng và đặt niềm tin về một kỳ đại hội sẽ thành công tốt đẹp.

Theo TS Lương Thị Việt Hà, CBNGNLĐ ngành Giáo dục mong muốn đại hội sẽ bầu ra được Ban Chấp hành là những người có tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ cao, năng động và sáng tạo để lãnh đạo và đưa hoạt động công đoàn sâu sát với tình hình thực tiễn của đất nước, của ngành và nguyện vọng của đoàn viên, CBNGNLĐ ngành Giáo dục.

Phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, cùng với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, CBNGNLĐ hy vọng đại hội sẽ thảo luận và thông qua nhiều chương trình, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, đáp ứng với yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của đoàn viên trong cả nước, khẳng định vai trò, vị trí của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh tình hình mới.

Qua đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương không thực hiện tinh giản biên chế giáo viên một cách cơ học để đảm bảo đủ tỉ lệ giáo viên đứng lớp nhằm thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông.

Đồng thời, có chế độ đãi ngộ, giữ nguyên phụ cấp ưu đãi, thâm niên nghề cho viên chức tại các trường học được điều động về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Sở GDĐT… để thu hút người giỏi về cơ quan quản lý giáo dục.

CBNGNLĐ mong muốn Ban Chấp hành khóa mới, đặc biệt là Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Chính phủ và Quốc hội có thêm cơ chế chính sách để chăm lo cho đoàn viên, CBNGNLĐ trong ngành Giáo dục.

Có quy định rõ về chế độ lương hợp lý đối với nhà giáo, người lao động mới tuyển dụng và chính sách đặc thù đối với nhân viên kế toán, nhân viên văn thư, giáo vụ… tại các trường học để họ đảm bảo cuộc sống, bởi hiện nay thu nhập của những đối tượng này rất thấp.

Nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ đưa giáo viên mầm non vào nhóm lao động nặng nhọc để có chính sách phù hợp, nhất là tuổi nghỉ hưu của nữ giáo viên mầm non là 55 tuổi. Đồng thời, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quan tâm điều chỉnh, ban hành một số chính sách đối với CBNGNLĐ, đặc biệt là tham gia xây dựng thang bảng lương đối với nhà giáo; nhà công vụ đối với giáo viên, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Tiếp tục nghiên cứu và có chế độ phụ cấp hợp lý và các chế độ đãi ngộ khác để tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ công đoàn tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ; thu hút được cán bộ giỏi làm công đoàn, giữ chân cán bộ công đoàn; tăng số cán bộ công đoàn chuyên trách cho Công đoàn Giáo dục khối tỉnh/ thành phố để đảm bảo thực hiện hiệu quả vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn ngành nghề địa phương.

Đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực đảm bảo các thiết chế, điều kiện và môi trường làm việc ngày càng tốt hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe đối với CBNGNLĐ; chỉ đạo các LĐLĐ tỉnh, thành phố phối hợp và đảm bảo thống nhất với Công đoàn Giáo dục Việt Nam để triển khai hoạt động công đoàn theo đặc thù ngành Giáo dục, đặc biệt là đối với bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn