MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch COVID-19 khiến nhiều công nhân lao động thay đổi sinh hoạt, chi tiêu của mình. Ảnh minh họa.

Lo ngại dịch COVID-19: Trước đá bóng xong thì nhậu, giờ về thẳng nhà

Bảo Hân LDO | 25/03/2020 11:39
Dịch COVID-19 đã khiến sinh hoạt của người dân, trong đó có người lao động thay đổi. Bên cạnh những khó khăn, phiền phức, thì dịch COVID-19 đã giúp nhiều người lao động có những thói quen tốt hơn, tiết kiệm hơn.

Không nhậu nhẹt

Anh Lường Đình H. (công nhân Khu công nghiệp Đại Đồng- Hoàn Sơn, tỉnh Bắc Ninh) là một người rất ham mê đá bóng. Một tuần, anh tham gia hai trận đá bóng cùng đồng nghiệp trong cơ quan. Trước đây, khi chưa có dịch, sau khi đá bóng, anh cùng các đồng nghiệp thường đi ra quán bia hơi “làm vài cốc”, trò chuyện với nhau. Mỗi lần ngồi nhậu như vậy là mỗi người hết khoảng 50.000-70.000 đồng; 10 người là có 500.000-700.000 đồng, đủ để ngồi với nhau cả giờ đồng hồ. Nhưng từ khi có dịch, sau khi đá bóng xong là mọi người “ai về nhà đấy”.

“Do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên mọi người cũng đồng tình là cần phải hạn chế tụ tập đông người, nhất là nơi có nhiều người lạ. Thực ra vừa rồi có anh em đặt dấu hỏi là có nên duy trì đá bóng không hay chờ khống chế được dịch mới tiếp tục. Nhưng do ham quá nên anh em vẫn tiếp tục đá bóng. Dù sao mọi người đều quen biết nhau nên cũng đỡ lo hơn”- anh H. cho biết.

Cùng với không nhậu nhẹt (tiết kiệm được một khoản tiền), anh H. còn có một thay đổi đáng kể nữa: Thay vì ăn bữa tối ở ngoài quán, anh chịu khó mua đồ về để tự nấu ăn.

Anh H. cho biết, vợ anh làm tăng ca nên thường ăn tối ở công ty; con của anh chị H. đang được gửi ở quê nhờ ông bà trông. Một thân một mình nên trước đây anh lười nấu mà hay ăn ở ngoài với giá 25.000-30.000 đồng/bữa. “Bây giờ đi ăn ở ngoài sợ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 nên tôi chịu khó mua đồ về nấu ăn tối. Mệt hơn, đôi khi còn tốn hơn chút so với ăn ở ngoài, nhưng đảm bảo vệ sinh và không còn cảm giác lo ngại như khi ăn ở ngoài”- anh H. cho hay.

Trước đây, khi đi làm về, anh H. đôi khi tụ tập trà đá, đi ra quán chơi game, nhưng bây giờ sau khi làm việc xong là anh về thẳng nhà. “Điều này cũng giảm cho tôi một số chi phí để đỡ được đồng nào hay đồng đấy. Tôi đang thuê trọ, rất nhiều thứ phải chi nên cần phải tiết kiệm”- anh H. nói.

Ngày 8.3 không như mọi năm

Với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng, chồng làm bảo vệ  (3 triệu đồng/tháng) trong khi phải nuôi 2 con ăn học, nên chị Nguyễn Thị X. (công nhân môi trường Công ty cổ phần quản lý Công trình Đô thị Bắc Giang) luôn phải chi tiêu tiết kiệm. Dịch COVID-19 cũng làm sinh hoạt đời thường của chị và gia đình thay đổi.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sinh hoạt, chi tiêu của nhiều người lao động cũng thay đổi. Trong ảnh: Công nhân lao động đang đi chợ tại chợ Mun (huyện Đông Anh, Hà Nội).

“Vào ngày Quốc tế phụ nữ (8.3), cơ quan dành cho mỗi chị em 50.000 đồng để sinh  hoạt chung. Như năm trước, tôi cùng các chị thêm góp thêm tiền (mỗi người thêm 100.000 đồng) để ra quán ăn uống cùng nhau cho vui. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mọi người lo ngại tụ tập đông người nên quyết định không đi ăn uống cùng nhau nữa mà “ai về nhà nấy”.

Chị X. cho biết, nhiều mặt hàng hiện giờ đã đắt hơn trước nên phải tính toán hơn để đảm bảo chi tiêu cho cả gia đình. “Bình thường tôi đã rất tiết kiệm rồi, rất ít mua sắm đồ (như quần áo) cho bản thân. Dịch COVID-19 xảy ra nên tôi càng tiết kiệm hơn nữa. Ví dụ như trước đây, tôi hay mua hoa quả để ăn tráng miệng, nhưng đợt này hạn chế hơn ”- chị X. cho hay.

Tuy vậy, có một số khoản chị X. cho biết vẫn phải bỏ thêm tiền chi tiêu, như mua thêm bao tay chun để bảo vệ mình được tốt hơn. Trước đây, chị chỉ cần đeo găng tay vải, bên trong có găng tay chế biến thức ăn dùng 1 lần, nhưng do dịch xảy ra nên chị phải đầu tư thêm đồ bảo hộ cho thêm an toàn đối với nghề thường xuyên tiếp xúc với rác thải như mình…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn