MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trải qua 15 năm, ông Lê Cao Tánh chính thức được xác định đã bị nhà trường sa thải trái pháp luật. Ảnh: Thu Cúc

1 giáo viên thắng kiện sau 14 năm bị sa thải trái quy định

Hữu Long LDO | 13/07/2021 13:44

Qua 14 năm đưa đơn, một giáo viên ở TP.Đà Lạt, Lâm Đồng vừa chính thức được tòa xử và tuyên thắng kiện. Toà án nhận định, việc nhà trường sa thải vị giáo trên là trái quy định nên tuyên hủy quyết định nói trên, đồng thời yêu cầu bồi thường số tiền 614 triệu đồng.

Từ một cái tát nóng giận

Tháng 12.2004, ông Lê Cao Tánh được Trường THPT bán công Nguyễn Du, nay là Trường THCS Nguyễn Du (TP.Đà Lạt) ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

Năm học 2006, một học sinh lớp 10 nói tục trước đám đông nên ông Tánh đưa em này về phòng giám thị làm việc. Quá trình làm việc, em học sinh này có thái độ không phù hợp nên ông Tánh tát tai làm học sinh nói trên bị chảy máu mũi.

Năm 2007, nhà trường quyết định sa thải ông Tánh với lý do vi phạm về phẩm chất của người thầy. Trong quá trình xử lý học sinh vô lễ với giáo viên đã không kìm được nóng nảy, đánh học sinh gây chấn thương mũi...

"Tôi biết hành vi của tôi là nóng nảy nhưng việc nhà trường đuổi việc như vậy là không đúng quy định" - ông Lê Cao Tánh cho biết.

Cũng vì không đồng ý với quyết định sa thải nên vào tháng 7.2007, ông Tánh khiếu kiện, đề nghị cơ quan tố tụng hủy quyết định sa thải, buộc trường nhận ông làm việc, đồng thời bồi thường thiệt hại.

Trong suốt 14 năm qua, TAND TP.Đà Lạt, TAND tỉnh Lâm Đồng và TAND Cấp cao tại TP.HCM nhiều lần đưa vụ án ra xét xử đi, xét xử lại vì ông Tánh và Ban Giám hiệu Trường Nguyễn Du chưa tìm được tiếng nói chung, 2 bên nhiều lần không đồng ý bản án, có kháng nghị.

Mãi đến tháng 6.2020, TAND tỉnh Lâm Đồng chấp nhận yêu cầu kháng nghị của ông Tánh; không chấp nhận kháng cáo của Trường Nguyễn Du, sửa án sơ thẩm, tuyên hủy quyết định kỷ luật, buộc nhận ông Tánh trở lại làm việc và bồi thường cho ông 614 triệu đồng, tiếp tục trả lương cho ông theo mức lương hiện hành tính từ tháng 1.2020 cho đến khi nhận ông vào làm lại.

Tháng 7.2020, Trường Nguyễn Du có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm lần ba. Tháng 11.2020, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị, đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND TP.Đà Lạt xét xử sơ thẩm lại.

Tại phiên tòa Giám đốc thẩm ngày 3.6.2021, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã quyết định không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm lần ba, tuyên hủy quyết định kỷ luật, buộc Trường Nguyễn Du nhận ông Tánh trở lại làm việc và bồi thường cho ông 614 triệu đồng.

Bản án của tòa nhận định, theo Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2002, 2006 về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải thì hành vi của ông Tánh không thuộc trường hợp bị xử lý sa thải, cũng không thuộc trường hợp quy định khác tại nội quy, quy chế của nhà trường hoặc của ngành giáo dục.

Do đó, quyết định sa thải ông Tánh của Hiệu trưởng Trường THPT bán công Nguyễn Du là trái pháp luật.

Tranh cãi chuyện ai bồi thường

Ông Tánh cho biết, năm 2007, khi bị sa thải, ông Tánh vừa đi kiện vừa đi học thạc sĩ luật và lớp đào tạo luật sư. Năm 2010, ông Tánh trở thành luật sư và mở văn phòng tại TP.Đà Lạt. Mặc dù có một công việc ổn định nhưng ông Tánh vẫn có nguyện vọng trở lại ghế nhà trường, được đứng trên bục giảng để truyền dạy kiến thức cho các em học sinh...

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Ánh – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du nêu quan điểm, nhà trường thống nhất bản án của tòa về việc sa thải ông Lê Cao Tánh trước đây là trái quy định. Tuy vậy, nhà trường chưa thống nhất nhận định của tòa về việc trường là cơ quan phải bồi thường cho ông Tánh số tiền 614 triệu đồng.

Theo đó, Trường THPT bán công Nguyễn Du trước đây là đơn vị trực thuộc Sở GDĐT tỉnh Lâm Đồng – cũng là đơn vị ban hành quyết định sa thải ông Lê Cao Tánh. Riêng Trường THCS Nguyễn Du mới được thành lập từ năm 2010, trực thuộc UBND TP.Đà Lạt.

“Việc toà tuyên Trường THCS Nguyễn Du hiện nay là đơn vị chịu trách nhiệm trong việc sa thải ông Tánh trái quy định, là điều nhà trường chưa thống nhất. Chúng tôi sẽ sớm có đơn kiến nghị gửi TAND Tối cao để phân xử, xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc bồi thường” - ông Nguyễn Văn Ánh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn