MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động nhận được quà Trung thu của công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp. Ảnh: CĐDMVN

100% doanh nghiệp dệt may ký kết thoả ước lao động tập thể

Hà Anh LDO | 12/10/2023 15:38

Ngày 12.10, tại Đại hội Công đoàn Dệt may Việt Nam khóa VI, đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Công đoàn trong ngành tập trung vào công tác đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Lãnh đạo Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ qua, công tác thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tiếp tục được quan tâm.

Các đại biểu dự Đại hội VI Công đoàn Dệt may Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Hà Anh

Ở cấp ngành, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã phối hợp với Hiệp Hội Dệt may Việt Nam thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành lần thứ IV và lần thứ V với nhiều nội dung có lợi cho người lao động về tiền lương, mức ăn ca, các chế độ phúc lợi... Đã có 76 đơn vị tham gia (tương ứng với 84.564 đoàn viên, chiếm tỉ lệ 76,5% đoàn viên toàn hệ thống).

Ở cấp doanh nghiệp, có 57 đơn vị sửa đổi, bổ sung và ký lại TƯLĐTT với một số điều khoản tiến bộ. Đến nay, số doanh nghiệp ký kết TƯLĐTT đạt 100%. Tuy nhiên, chất lượng các bản TƯLĐTT doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ (không còn TƯLĐTT đạt loại A, chỉ có 8 bản đạt loại B) do các yếu tố khó khăn: thiên tai, dịch bệnh, sụt giảm đơn hàng, đơn giá... nên khi ký lại TƯLĐTT, các doanh nghiệp không lựa chọn ký kết các chính sách mang tính chất ràng buộc nghĩa vụ thực hiện.

Công đoàn Dệt may Việt Nam chỉ đạo công đoàn cơ sở tích cực, chủ động tham gia xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, quy chế phân phối thu nhập và các nội quy, quy chế nội bộ trong doanh nghiệp; tham gia hội đồng tiền lương, thi đua khen thưởng, kỷ luật... phát huy vai trò bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động.

Cán bộ Công đoàn Dệt may Việt Nam tích cực tham dự các hội thảo để nắm bắt, nghiên cứu, vận dụng thực tiễn trong xây dựng chính sách của ngành. Tổ chức lấy ý kiến người lao động, tham gia đóng góp sửa đổi các văn bản pháp luật; kiến nghị rà soát, bổ sung danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của ngành; tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ công đoàn; biên soạn Sổ tay “Những điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019” trang bị cho công đoàn cơ sở sử dụng và phổ biến tới người lao động.

Toàn cảnh Đại hội VI Công đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: Hà Anh

Hàng năm, Công đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp với tập đoàn chỉ đạo, hướng dẫn người sử dụng lao động (NSDLĐ) và công đoàn cơ sở phối hợp tổ chức Hội nghị người lao động, Hội nghị cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) đảm bảo dân chủ và đúng quy định; hướng dẫn công đoàn cơ sở tham gia xây dựng quy chế dân chủ, thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Kết quả, khối hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị CBCCVC đạt 100%; các doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động đạt 96%. Tổ chức 1.140 cuộc đối thoại định kỳ, 74 cuộc đối thoại đột xuất (vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ các nội dung này).

Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã hướng dẫn công đoàn cơ sở tích cực, chủ động trong việc tham gia quản lý, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tham gia vào quá trình tuyển dụng, đào tạo, sắp xếp lao động, thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật và TƯLĐTT. Kết quả, 100% người lao động được ký HĐLĐ, trong đó 95% là hợp đồng không xác định thời hạn; 99% người lao động được đóng BHXH, BHYT, BHTN; 100% người lao động được khám sức khỏe định kỳ, hàng nghìn lượt lao động nữ được khám tầm soát ung thư; một số đơn vị mua bảo hiểm 24/24 cho người lao động...

Ngoài ra, các cấp công đoàn quan tâm đến đời sống, việc làm của người lao động; giám sát việc chi trả lương, thưởng, thanh toán tiền làm thêm giờ, phụ cấp ca đêm, bồi dưỡng độc hại tại chỗ cho người lao động. Hàng năm, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật có liên quan đến người lao động, kịp thời có ý kiến để các doanh nghiệp khắc phục thiếu sót, nâng cao trách nhiệm với người lao động.

“Từ những việc làm trên, các chế độ chính sách trong hệ thống được thực hiện đảm bảo; các vấn đề phát sinh sớm được nhận diện, nắm bắt và xử lý kịp thời, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, đình công, ngừng việc tập thể; quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ” - bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn