MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

100% lao động Đà Nẵng đã sẵn sàng trở lại doanh nghiệp

Tường Minh LDO | 29/09/2021 18:09

Từ mai (30.9), các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trở lại hoạt động bình thường với 100% người lao động được đến nhà máy.

Công việc chập chờn, thu nhập chập chờn

“Tôi như bọn trẻ con nhà em mấy hôm trước chờ ngày đầu tiên đi học”. Chị Nguyễn Thị Hoa, người lao động đang tạm trú tại Tổ công nhân tự quản 21, phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng nói.

Nhiều công nhân ở Đà Nẵng đang chờ những buổi tan ca như bình thường. Ảnh: Tường Minh

Chị Hoa là công nhân đang làm việc cho một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Hoà Khánh. Gần như trong suốt mùa dịch, công việc của chị cứ chập chờn lúc có lúc không tuỳ theo diễn biến của dịch bệnh và các quyết định phòng chống dịch của thành phố.  

Việc chập chờn tất nhiên thu nhập cũng chập chờn. Chị kể “may trong mùa dịch luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của thành phố, từ nhiều tổ chức và cá nhân, đặc biệt là tổ chức Công đoàn. Phải qua những lúc khó khăn dịch bệnh, mới thấy một công việc ổn định nó quan trọng như thế nào”.

“Hiện chúng tôi đã sẵn sàng mọi thứ để người lao động được đi làm 100% vào ngày mai” - ông Hồ Sỹ Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vinakad-doanh nghiệp chuyên về dệt may xuất thị trường Mỹ ở khu công nghiệp Hoà Khánh, cho biết.

Theo ông Tân thì đến thời gian gần đây, Vinakad chỉ có 70% người lao động được đi làm, nên thu nhập cũng chỉ bằng 70% so với mọi khi (khoảng hơn 4 triệu đồng/người/tháng). “Cả doanh nghiệp và người lao động đều gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, mọi chuyện sẽ được giải quyết khi mọi thứ trở lại bình thường” - ông Tân nói.

Không thiếu lao động

Ông Huỳnh Văn Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dệt may 29.3 cho biết: “Ngay như những ngày này, dù hàng hoá chúng tôi đã hoàn thành kịp tiến độ theo như yêu cầu của đối tác. Nhưng chúng tôi tìm đủ mọi cách vẫn không xuất được các lô hàng đi Mỹ và Pháp do thiếu container rỗng”.

Bên hàng rào Công ty CP Dệt may 29.3 những ngày sản xuất “3 tại chỗ” do có ca dương tính trong người lao động. Ảnh: Tường Minh

Với hầu hết các doanh nghiệp, những ngày không bình thường với việc triển khai mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” đã gây gia tăng chi phí và phát sinh nhiều vấn đề trong vận hành.

Nhất là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vấn đề vận chuyển, lưu thông hàng hoá, vật tư vật liệu cho sản xuất của các nhà máy, cũng như việc xuất khẩu hàng hoá ra cảng Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn. Rồi việc nhập cảnh của các chuyên gia cũng đã dừng từ nhiều tháng qua cũng đã gây khó khăn cho một số doanh nghiệp trong việc lắp đặt, sửa chữa thiết bị máy móc của đơn vị.

Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là liệu các doanh nghiệp ở Đà Nẵng có bị mất và thiếu lao động sau một thời gian dài “công việc chập chờn” như lời chị Hoa? Ông ông Trần Văn Tỵ - Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng trả lời "sẽ không thiếu".

Theo ông Tỵ, Thống kê cho biết, hiện có khoảng 3.000 lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang bị mắc kẹt ở các địa phương. Trong đó có khoảng 1.000 lao động ở Quảng Nam. “Doanh nghiệp mới trở lại hoat động và đây không phải là con số lớn, lại tập trung phần nhiều ở Quảng Nam lân cận nên tới đây họ sẽ có mặt khi Đà Nẵng nới lỏng kiểm soát đi lại”, ông Tỵ nói.   

Để chuẩn bị cho doanh nghiệp hoạt động bình thường thì tiêm vaccine cho người lao động là yếu tố tiên quyết. Cũng theo ông Trần Văn Tỵ, tính đến thời điểm này, đã có 82% người lao động tại các khu công nghiệp và công nghệ cao Đà Nẵng được tiêm vaccine COVID-19 (ít nhất 1 mũi).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn