MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân nhận lương hưu. Ảnh minh hoạ HN

12 triệu người nguy cơ không có lương hưu

ANH THƯ LDO | 29/06/2022 18:16

Nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội, đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu.

Tại buổi làm việc và nghe chuyên gia ILO trình bày về vấn đề chính sách xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đặt ra những vấn đề và mong muốn các chuyên gia của ILO chia sẻ, làm sáng tỏ. Cụ thể về việc rút bảo hiểm một lần, khuyến khích lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội...

Ông Nuno Cunha - chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của ILO nhận định, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần không phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, có một vài quốc gia đã và đang gặp vấn đề tương tự.

Chuyên gia này khuyến nghị nên từng bước thay đổi điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc, triển khai chế độ về trợ cấp trẻ em trong hệ thống bảo hiểm xã hội.

Về vấn đề chính thức hóa việc làm, ông Nuno Cunha cho biết, các nước châu Mỹ Latinh có kinh nghiệm và đã vạch ra lộ trình để chính thức hóa việc làm. Như tại Colombia, Chính phủ có những kế hoạch hành động mà mỗi bộ ngành đều phải thực hiện để cùng có thể góp phần vào việc chính thức hóa người lao động, chính thức hóa việc làm để tăng nguồn thu đóng thuế, tăng nguồn thu vào bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh thanh toán tiền lương qua tài khoản, khuyến khích người lao động sử dụng điện thoại, mở tài khoản để nhận lương. Như ở Pakitstan, trong thời gian ILO triển khai dự án khuyến khích thanh toán lương qua tài khoản, đã có tới hơn 300 nghìn người lao động mở tài khoản để nhận lương.

Chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của ILO chỉ ra rằng hiện nay Việt Nam có 16,5 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ 33% trong tổng số lực lượng lao động hơn 50 triệu người. Trong 11,4 triệu người cao tuổi mới chỉ có 4,3 triệu người đang được hưởng lương hưu (2,6 triệu từ bảo hiểm xã hội và 1,7 triệu từ bảo trợ xã hội).

Với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội thì đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.

Bà Ingrid Christensen- Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhấn mạnh, dù có tiến triển đáng kể nhưng nhiều người Việt Nam chưa được tiếp cận đầy đủ với an sinh xã hội. Việt Nam cần nỗ lực để đảm bảo an sinh cho xã hội, giải quyết thách thức từ các nhóm chính sách bị bỏ sót, những nhóm người làm việc tự do… thuộc nhóm cấp thiết cần tham gia an sinh xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn