MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Mai Bá Nam - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa trình bày các kiến nghị của công nhân lao động tới UBND tỉnh Thanh Hóa tại Đại hội. Ảnh: X.H

13 kiến nghị của công nhân lao động gửi UBND tỉnh Thanh Hóa

Xuân Hùng LDO | 16/09/2023 18:42

Ngày 16.9, tại Trung tâm Hội nghị 25B Thanh Hóa, Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023 – 2028 đã diễn ra phiên thứ nhất. Tại đại hội, ông Mai Bá Nam – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thanh Hóa đã trình bày tổng hợp nhiều đề nghị thực tế của công nhân lao động gửi tới đại hội, trong đó có 13 kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh.

Khắc phục ngay tình trạng trốn đóng BHXH

Theo đó, công nhân lao động kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác chỉ đạo đối với các ngành liên quan, có giải pháp khắc phục tình trạng chậm đóng nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài của các doanh nghiệp.

Bởi vì, theo LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, tính đến thời điểm 31.7.2023 có 2.388 đơn vị khối doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động chậm đóng các loại bảo hiểm nói trên với số tiền là 457,018 tỉ đồng và có 15 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng với số tiền là hơn 5 tỉ đồng.

Công nhân lao động cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đề nghị Chính phủ nâng mức lương tối thiểu vùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ vùng 3 lên vùng 2, từ vùng 4 lên vùng 3.

Trừ một số huyện miền núi giữ nguyên vùng 4 là phù hợp vì hiện nay, mức lương tối thiểu của tỉnh Thanh Hóa cao nhất chỉ là vùng 3, số còn lại là vùng 4 là chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Và đặc biệt, trên cơ sở đó, hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ áp dụng trả lương vừa bằng mức lương tối thiểu vùng nên đời sống công nhân lao động còn rất khó khăn.

Các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: X.H

Đề nghị xây dựng thiết chế văn hóa công đoàn phục vụ đời sống và sinh hoạt cho công nhân lao động, vì hiện nay, các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa quan tâm xây dựng các thiết chế công đoàn như nhà ở, các công trình phúc lợi, siêu thị, nhà trẻ, nhà văn hóa, công trình văn hóa, sân chơi bãi tập...

Thời gian qua, nạn tín dụng đen và tình trạng lừa đảo thông qua mạng xã hội đã và đang len lỏi vào đời sống công nhân lao động trên địa bàn toàn tỉnh gây khó khăn và hệ lụy cho người lao động, cán bộ công đoàn và chủ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện tượng mạng xã hội đang nổi lên nhiều mặt trái giả danh các cơ quan chức năng người thân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc dụ dỗ các em học sinh gây hoang mang lo lắng cho công nhân viên chức lao động.

Vì vậy, công nhân viên chức lao động trong tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cơ quan chức năng có giải pháp quản lý mạng xã hội, ngăn chặn, hạn chế các thông tin xấu, độc, lừa đảo trên mạng, phòng chống và quyết liệt xử lý tín dụng đen.

Đừng để tăng lương không kịp tăng giá

Theo số liệu tổng hợp số vụ tai nạn lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến tháng 7.2023, LĐLĐ Thanh Hóa đã phối hợp với các ngành chức năng điều tra công khai 78 vụ tai nạn lao động, các vụ tai nạn lao động này đã làm chết và bị thương 76 người.

Tính riêng năm 2022 đã xảy ra 18 vụ tai nạn lao động và làm chết 18 người. Hiện nay, tình trạng tai nạn lao động vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trước thực trạng này, công nhân lao động đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa có giải pháp yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác an toàn vệ sinh lao động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi vi phạm.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan thực hiện chế độ hỗ trợ cho công nhân có con gửi trẻ tại các khu công nghiệp theo Nghị định 105/2020 của Chính phủ vì cho đến nay vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp theo quy định.

Một khu trọ của công nhân KCN Lễ Môn (Thanh Hóa). Nếu không có thiết chế công đoàn, xây nhà ở xã hội, đời sống công nhân rất khó khăn. Ảnh: Quách Du

Để việc tăng lương đạt được mục tiêu tăng thu nhập nâng cao đời sống, tránh tình trạng tăng lương không kịp tăng giá, đề nghị các cấp, các ngành liên quan có giải pháp quản lý kiềm chế lạm phát bình ổn giá cả thị trường đi kèm với kiểm soát và xử nghiêm các trường hợp vi phạm đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu và giá nhà trọ để giúp cho người lao động giảm bớt khó khăn.

Về đảm bảo quyền lợi cho công nhân lao động trong việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong các ngày nghỉ, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào những ngày nghỉ trong tuần để đảm bảo quyền lợi cho công nhân lao động.

Công nhân lao động cũng kiến nghị nhiều vấn đề khác tới UBND tỉnh như hoàn thiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; có giải pháp về cơ cấu biên chế và sắp xếp vị trí việc làm đối với cán bộ công chức cấp xã cho hợp lý; có giải pháp để thu hút kêu gọi đầu tư đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực, tạo cơ hội thu hút lao động và duy trì ổn định việc làm cho người lao động trong tỉnh và có chính sách hỗ trợ xây nhà công vụ đối với cán bộ công chức viên chức nhà giáo người lao động; UBND tỉnh cần có cơ chế khen thưởng công nhân lao động có thành tích cao trong lao động sản xuất có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật kịp thời và ở mức cao hơn nhằm khuyến khích phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất tại các doanh nghiệp.

Ngày mai (17.9), phiên thứ hai Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục diễn ra tại Trung tâm Hội nghị 25B. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ dự Đại hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn