MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những ngày giáp Tết nhìn thấy mọi người chuẩn bị về quê sum họp gia đình, lòng anh Trọng càng thêm buồn vì thêm một cái Tết xa quê. Ảnh: Phương Ngân

13 năm, chưa một lần về quê ăn Tết

Phương Ngân LDO | 24/01/2024 07:43

Về quê ăn Tết, không phải muốn là về được”. Đó là chia sẻ của nhiều công nhân tại TPHCM khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang cận kề. Với nhiều công nhân xa quê, ăn Tết ở quê nhà đối với họ là điều xa xỉ.

Trời chập choạng tối, trong căn phòng trọ trên đường Ngô Chí Quốc, P Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TPHCM, chị Hoàng Thị Đôi (48 tuổi, quê Tuyên Quang) - công nhân Công ty TNHH Freetrend Việt Nam, đang ngồi ăn cơm trên chiếc võng.

Tan ca về, vẫn mặc trên người chiếc áo đồng phục, chị Đôi vội vàng nấu bữa cơm chiều cho 2 mẹ con. Bữa cơm chỉ đơn giản với một món canh và vài con cá khô qua bữa.

Chị Đôi kể, 13 năm trước chị rời quê vào TPHCM làm công nhân, được vài năm chị đưa đứa con trai duy nhất vào ở cùng. Hằng ngày chị đi làm công nhân để nuôi con ăn học.

Chị Đôi còn nhớ, khi chị mới vào công ty làm thu nhập của chị chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, đến nay thu nhập của chị hơn 7 triệu đồng/tháng, nhưng vật giá ngày một leo thang phải chắt bóp lắm mới đủ chi tiêu.

Từ ngày vào TPHCM đến nay, chưa lần nào chị Đôi về quê ăn Tết cùng gia đình, mỗi khi nhìn thấy người người chuẩn bị về quê đón Tết, chị cũng mong được về nhưng… “làm gì có tiền về Tết” - chị Đôi nói.

“13 năm rồi tôi chưa được về quê ăn Tết lần nào, buồn lắm nhưng mình không có tiền thì phải chịu” - chị Đôi chia sẻ.

Cách phòng chị Đôi mấy căn là phòng trọ của vợ chồng anh Lê Quốc Trọng (quê Hà Tĩnh), những ngày giáp Tết đối với vợ chồng anh là những ngày buồn nhất năm. Khi ai cũng háo hức chuẩn bị mua sắm để về quê sum họp gia đình, thì gia đình anh Trọng lại càng thêm buồn.

Vợ anh Trọng vào TPHCM làm công nhân từ năm 2013, còn anh phải ở quê chăm sóc mẹ già đến năm 2019 mới vào TPHCM cùng vợ. Thời gian đầu mới vào TPHCM, anh Trọng làm nhiều việc bên ngoài, sau dịch COVID-19, anh xin vào làm công nhân cùng vợ. Làm được hơn một năm, công ty khó khăn phải cắt giảm lao động, không may mắn anh Trọng nằm trong số đó.

Mất việc, anh Trọng đi xin vào làm việc ở một công ty ốc vít với thu nhập 280.000 đồng/ngày, lương được trả theo ngày, ngày nào có việc thì có tiền, có hôm không có việc anh lại thất nghiệp ở nhà.

Làm được vài tháng, công ty ít hàng anh lại không có việc, anh Trọng chuyển sang chạy xe ôm và phục vụ quán nhậu, nhưng công việc cũng không ổn định. Đồng lương công nhân của vợ anh trở thành nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống hằng ngày.

Anh Trọng chia sẻ, anh rất mong được về quê đón Tết cùng gia đình nhưng hoàn cảnh khó khăn muốn về cũng không được. Những ngày cận Tết, chỉ cần nghe ai đó nói về Tết là lòng anh lại buồn. Với vợ chồng anh Trọng ngày Tết xa quê cũng như ngày thường, không bánh mứt, không mai đào.

“Nếu Tết nào vợ về thì chồng phải ở lại và ngược lại vì chi phí mỗi lần về quê rất lớn nên không dám về cả gia đình. Hai năm rồi mình không về quê đón Tết, cũng muốn về lắm nhưng trong túi không có tiền sao mà về được” - anh Trọng trải lòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn