MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiền lương thấp, công nhân phải tiết kiệm chi tiêu cho cuộc sống. Ảnh: Nam Dương

2 năm chưa tăng lương tối thiểu: Công nhân chật vật vì giá cả leo thang

Nam Dương LDO | 29/03/2022 15:58
Nhiều người lao động và cán bộ công đoàn đều mong muốn Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu vùng với mức tăng xứng đáng để đáp ứng được nhu cầu sống tối thiều của người lao động.

Lương chưa tăng đời sống người lao động khó khăn hơn

“Cái gì cũng tăng mà sao lương mãi không tăng vậy anh?”, chị Nguyễn Thị Thu Hương - Công nhân bộ phận Plan 2, Cty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) đặt câu hỏi như thế khi trò chuyện với chúng tôi mới đây.

Chị Hương cho biết nếu không tăng ca, thì thu nhập hằng tháng của chị chỉ được hơn 5 triệu đồng sau khi đã trừ đi các khoản BHXH, BHYT, BHTN. Còn nếu tăng ca khoảng 30 giờ/tháng, thì thu nhập sau khi trừ đi các khoản BHXH, BHYT, BHTN của chị cũng chưa đến 7 triệu đồng/tháng. Chồng chị thì làm thợ hồ, khi có việc khi không, thu nhập rất thất thường. Trong khi hai vợ chồng còn phải nuôi con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn.

Các công nhân đều mong muốn sớm được tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Nam Dương

Chị Hương kể tiền đổ rác hiện nay tăng từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng/hộ; trứng vịt tăng từ  26.000 - 30.000 đồng/1 chục lên 35.000 đồng/chục, có hôm đến 38.000 đồng; 1kg rau muống tăng từ 25.000 đồng lên 30.000 – 32.000 đồng tùy hôm; giá gas đã tăng lên gần 500.000 đồng/bình.

“Mọi thứ đều tăng giá, trừ lương khiến cho đời sống của CN ngày càng khó khăn hơn. Giờ chỉ mong Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu vùng, vì đã hai rồi năm không tăng mà doanh nghiệp thì lại lấy lý do khó khăn do dịch bệnh không tăng lương cho người lao động”, chị Hương buồn bã nói.

Chị Bàn Thị Quyên, công nhân Cty May mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi) cũng chia sẻ: “Từ mớ rau, con cá, thịt... đều tăng. Thịt trước đây chỉ 120.000 đồng/kg, giờ đã 150.000 đồng/kg. Rau cũng tăng đến cả chục ngàn/kg. Trước đây cầm 500.000 đồng đi chợ tôi mua đồ ăn cho hai vợ chồng trong 1 tuần, giờ chỉ còn được 3, 4 ngày.  Thế nhưng lương tối thiểu vùng thì đã hai năm rồi chưa tăng nên đời sống người lao động rất khó khăn, giờ chỉ mong sớm được Nhà nước tăng lương”.

Lương tối thiểu chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu

Theo bà Trần Thị Hồng Vân – Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TPHCM) – đa phần doanh nghiệp đều xây dựng mức lương cơ bản dựa trên mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định và chỉ cao hơn chút ít. Tại  Công ty Nissei Electric Việt Nam mức lương cơ bản trả cho người lao động cộng với các khoản phụ cấp khác cũng chỉ khoảng 5 -6 triệu đồng/người/tháng.

Lương tối thiểu vùng chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Ảnh: Nam Dương

"Với mức lương này, người lao động không thể đủ chi tiêu cho chính mình trong tháng, chứ đừng nói đến chuyện nuôi con cái hay có tích lũy. Tất cả người lao động đều mong muốn Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu vùng”, bà Vân nói.

Ông Quách Mẫn Nghĩa - Chủ tịch Công đoàn Công ty Always (KCX Tân Thuận, TPHCM) – cho rằng từ nhiều năm trước lương tối thiểu vùng đã chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Lấy ví dụ như ở TPHCM, lương tối thiểu vùng hiện nay chỉ có 4,42 triệu đồng/người/tháng thì không thể đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của một người lao động, chưa kể họ còn phải có nhiều chi phí khác như thuê nhà, nuôi con cái ăn học, gửi tiền hỗ trợ cho gia đình ở quê…

Công nhân mong muốn được tăng lương tối thiểu vùng xứng đáng. Ảnh: Nam Dương

“Nhà nước cần sớm tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động và có tăng thì phải tăng cho đáng”, ông Nghĩa kiến nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn