MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiếu lao động vận hành, 2 tàu kiểm ngư của tỉnh Nghệ An phải tạm ngừng hoạt động. Ảnh: Anh Tuấn

2 tàu kiểm ngư Nghệ An phải ngừng hoạt động vì 10 lao động bị chấm dứt hợp đồng

QUANG ĐẠI LDO | 09/04/2024 15:50

Mặc dù có kinh nghiệm và thời gian gắn bó với công việc hàng chục năm, 10 lao động vận hành tàu kiểm ngư ở Nghệ An bị chấm dứt hợp đồng, dẫn đến hậu quả 2 tàu kiểm ngư phải ngừng hoạt động.

Ngày 9.4, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Xuân Nhuệ - Chủ tịch Công đoàn Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An cho biết, đơn vị đã chấm dứt hợp đồng với 10 lao động vận hành tàu kiểm ngư, kể từ ngày 1.4.

“Đây là các lao động có kinh nghiệm, có bằng cấp chứng chỉ theo từng vị trí chuyên môn và đã gắn bó lâu dài với đơn vị, người ít nhất cũng đã trên 10 năm. Hiện nay đơn vị vẫn rất cần những người này; họ không vi phạm gì nhưng buộc phải chấm dứt hợp đồng vì quy định hiện hành không cho phép hợp đồng lao động không nằm trong số biên chế được giao” – ông Trần Xuân Nhuệ nói.

Được biết, trước đó, mặc dù đơn vị vẫn có nguồn kinh phí và những lao động này vẫn làm việc bình thường, nhưng Kho bạc Nhà nước từ chối thanh toán tiền lương cho họ vì họ không thuộc trong số biên chế do UBND tỉnh giao. Do đó, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An đã nợ 10 lao động này 3 tháng lương.

“Để tìm được lao động vận hành tàu biển có kinh nghiệm không hề đơn giản. Các lao động này đều có nguyện vọng gắn bó với đơn vị, chúng tôi lại rất cần người nhưng quy định của Nhà nước không thể làm trái. Đây là điều hết sức đáng tiếc” – ông Trần Xuân Nhuệ nói.

Được biết, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư được bố trí 2 tàu kiểm ngư (KN-688-NA và VN-93967-KN) cùng 2 xuồng cao tốc kèm theo. Theo quy định 2 tàu kiểm ngư được bố trí 26 thuyền viên.

Do nguồn kinh phí hạn hẹp, đơn vị đã hợp đồng với 10 lao động thực hiện các công việc theo các chức danh tại 2 tàu kiểm ngư (thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, thợ máy, thuỷ thủ) để vận hành các tàu kiểm ngư này.

Các lao động này đã được đơn vị hợp đồng từ nhiều năm trước và được chi trả tiền công từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản nhà nước cấp hàng năm.

Năm 2024, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư được UBND tỉnh Nghệ An giao 44 biên chế (gồm 28 công chức, 10 viên chức và 6 lao động hợp đồng phục vụ).

10 lao động làm việc trên các tàu kiểm ngư nói trên không nằm trong số lượng biên chế được giao, nên không thể chi trả tiền công cho các lao động. Do đó, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư đã chấm dứt hợp đồng lao động với họ.

Không có lao động vận hành, 2 tàu kiểm ngư của tỉnh Nghệ An hiện nay không thể hoạt động, đã được đưa về neo đậu tại khu vực sông Lam (TP Vinh).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An Trần Xuân Học cho biết, do không có biên chế, nên nhiều năm qua không thể đưa 10 lao động vận hành tàu kiểm ngư vào biên chế để ổn định công tác và bảo đảm chế độ cho họ.

“Việc chấm dứt hợp đồng lao động với 10 người này dẫn đến 2 tàu kiểm ngư phải tạm ngừng hoạt động, gây khó khăn cho công tác, đặc biệt trong thời điểm ngành đang tăng cường chống khai thác thủy sản trái phép, không đúng quy định.

Nội dung này, chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo, bằng mọi cách để hai tàu kiểm ngư hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất” – ông Trần Xuân Học nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn