MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Rơ Lan Tơm ngồi bên hiên nhà với nỗi lo lắng bất định. Ảnh T.T

3 ngày nữa vợ đẻ, xin làm thuê không ai mướn, nam công nhân hái lá mì ăn qua ngày

THANH TUẤN LDO | 16/09/2021 16:38

Trở về từ các tỉnh miền Nam, công nhân lao động sớm rơi vào cảnh túng thiếu khi mất công ăn việc làm, đồng tiền cạn dần. Áp lực tinh thần với “cơm áo gạo tiền” đè nặng lên đôi vai gầy yếu của công nhân lao động mùa dịch COVID-19.

Lo không có tiền đưa vợ đi sinh

Những ngày qua, anh Rơ Lan Tơm (SN 2001, trú làng Breng, xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đứng ngồi không yên trong căn nhà cấp 4 chật chội.

Bỏ học từ năm lớp 10 để vào TP.HCM mưu sinh, anh Tơm làm công nhân may tại phường Tân Thới Hiệp, Quận 12. Tuổi xuân người công nhân trôi qua trong công việc bộn bề của nhà máy.

Vợ của Tơm là người cùng làng, cùng công ty may. Khi dịch bệnh xảy ra, nhà máy đóng cửa thì đôi vợ chồng trẻ may mắn được chính quyền tỉnh Gia Lai đón về trên chuyến bay miễn phí.

Anh Rơ Lan Tơm ngồi bên hiên nhà với nỗi lo lắng bất định. Ảnh T.T

Vợ anh là chị Rcơm Ruên (SN 2003) chỉ còn vài ngày nữa là sanh nở.

“Khi về nhà, trong tài khoản hai vợ chồng em còn 10 triệu, trả chi phí ăn ở, sinh hoạt cách ly y tế hết 7 triệu, tụi em chỉ còn đúng 3 triệu.

Vài hôm nữa vợ em sinh con, không biết số tiền ít ỏi này có đủ đưa vợ vào bệnh viện TP.Pleiku hay không. Hiện dịch bệnh đang còn phức tạp khiến em càng lo lắng hơn, biết kiếm đâu ra tiền sữa, tã, áo quần cho con đầu lòng”, Rơ Lan Tơm buồn rầu nói.

Ở nhà đã hơn 3 tháng qua, Tơm hỏi khắp nơi nhưng không ai có việc gì để thuê mướn, vì địa phương cũng đang có dịch. Đồng tiền ngày càng vơi cạn dần, Tơm cứ mãi đăm chiêu trong muộn phiền và bất an về tương lai phía trước.

Thỉnh thoảng, anh lại lên nương rẫy của nhà vợ gần đó hái lá mì, nhổ khoai sắn về nấu ăn qua ngày. Ở quê gần người thân, anh em nên có khi, đôi vợ chồng trẻ được bố mẹ giúp đỡ vài lon gạo, mớ rau, con cá sống qua ngày. 

“Là thanh niên sức vóc nhưng không làm được gì thay đổi hoàn cảnh, nhìn vợ mang thai cứ yếu dần vì ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, em cảm giác lực bất tòng tâm”, Tơm nói.

Lao động giúp vơi đi nỗi lo lắng

Những ngày qua, anh Nguyễn Văn Huy (SN 1991, trú thôn 1, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) cứ ngồi bần thần nhìn ra cánh đồng lúa. Anh Huy là lao động tự do vừa trở về từ TP.HCM hơn một tháng qua. Mất việc làm trong khi phải nuôi hai con nhỏ đang tuổi đến trường khiến người đàn ông 30 tuổi không khỏi buồn rầu.

Trước dịch bệnh, anh Huy và con gái nhỏ đang học lớp 6 thuê nhà trọ ở vùng ngoại ô huyện Bình Chánh. Anh làm đủ thứ nghề, từ lái xe ôtô chở hàng đến buôn bán và phụ hồ cho công trình xây dựng. Mỗi tháng, anh Huy kiếm được 8-10 triệu, đủ nuôi con ăn học và gửi chút ít về quê cho vợ. 

Những ngày TP.HCM có dịch bệnh luôn ám ảnh tâm trí Huy. Hai cha con phải sống thấp thỏm âu lo trong phòng trọ chật hẹp suốt nhiều tuần liền, không dám tiếp xúc với ai, kể cả hàng xóm. Chiều tối, Huy chỉ ra bên ngoài mua một ít thức ăn, gạo về nấu cho hai bố con ăn đủ một tuần. Cứ thế lại đóng cửa tránh dịch trong nhà.

Huy cho biết: “Mỗi lần em thấy xóm trọ kế bên giăng dây rồi có người đưa đi cách ly thì rất lo sợ, ám ảnh cả tiếng còi hụ xe cấp cứu. Do có con nhỏ và hoàn cảnh khó khăn nên hai bố con được tỉnh Gia Lai đón về”.  

Thời gian cách ly y tế, Huy luôn thường trực nỗi lo lúc trở về nhà sẽ lây mầm bệnh cho vợ con. Đêm nào anh cũng bị mất ngủ, nhiều dự định cho tương lai bị đứt gãy, Huy biết kiếm đâu ra tiền đóng học phí, tiền mua máy tính cho con nhỏ học qua mạng. Đêm nào vợ anh cũng gọi điện thoại động viên anh cố gắng.

“Mấy ngày đầu về nhà mình, mặc dù đã âm tính với COVID-19 nhưng để vợ con an toàn, em phải sinh hoạt riêng, đến nằm ngủ cũng đeo khẩu trang, dè dặt từng hơi thở. Em cứ quẩn quanh với suy nghĩ tiêu cực chuyện không may xảy đến. Việc lên mạng đọc báo nhiều tin tức tiêu cực cũng khiến em lo lắng không lối thoát”, Huy tâm sự.

Thấy trụ cột gia đình sa sút tinh thần, vợ Huy mới bàn việc nấu bánh, nấu xôi mang ra chợ bán. Chị nghĩ chỉ có lao động, hoạt động tay chân nhiều mới giúp anh vơi bớt được nỗi lo. Vậy là từ 2h rạng sáng, vợ chồng Huy lục tục dậy sớm nấu thịt làm bánh để mang ra chợ bán đến trưa mới về.

Huy cho hay, người dân nơi quê nhà đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên đồng tiền kiếm ra khó khăn. Tuy nhiên, nhờ biết học hỏi buôn bán, được gia đình bên ngoại giúp đỡ nên mùa dịch, hai vợ chồng cũng kiếm được 100.000-150.000 đồng đắp đổi qua ngày.

Như nhiều công nhân khác, Huy mong muốn dịch bệnh ở các tỉnh miền Nam sớm được khống chế, công nhân, người lao động tự do như anh được tiêm vaccine để trở lại làm việc. Theo Huy, ở miền Nam công việc nhiều, dễ kiếm hơn so với quê nhà Gia Lai. Tính ra đồng lương hàng tháng ở thành phố lớn cao hơn so với ở quê và người lao động còn có chút tiền dành dụm để sau trang trải mọi chi phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn