MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu nhà trọ công nhân tại xã Ngọc Hoà, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân

3,4 triệu người lao động sẽ được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà trọ

ANH THƯ LDO | 31/03/2022 10:50
Chiều 30.3, Bộ LĐTBXH tổ chức Họp báo thông tin Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Ước tính 3,4 triệu người LĐ sẽ được thụ hưởng với tổng kinh phí khoảng 6.600 tỉ đồng. Để hỗ trợ kịp thời, đặc biệt khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc, Công đoàn sẽ vào cuộc giám sát; đồng thời hồ sơ, thủ tục để nhận hỗ trợ phải nhanh chóng, nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tránh trục lợi.

Hỗ trợ 2 mức: 500.000 và 1.000.000 đồng/tháng

Hai đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng.

Cụ thể, Quyết định quy định người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1.2.2022 đến ngày 30.6.2022; Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1.4.2022. 

Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội) tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11.11.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Với người lao động quay trở lại thị trường lao động, Quyết định quy định người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện.

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ban hành hướng dẫn chi tiết, dự kiến trong tuần này sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó, Bộ sẽ ban hành kế hoạch triển khai, giải quyết những vướng mắc cụ thể ở một số địa bàn, tổ chức giám sát, tổng kết đánh giá. Trong đó, việc triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ các địa phương, bộ ban ngành để khi có vấn đề nảy sinh, lập tức cùng tháo gỡ, giải quyết. “Thực hiện chính sách với tinh thần thủ tục đơn giản nhất, gọn nhất cho người lao động. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ nhanh nhất cho người lao động quay trở lại thị trường lao động, nhưng cũng đảm bảo tiền phải “tiêu” đúng, không bị trục lợi” - ông Bình nhấn mạnh.

Công đoàn vào cuộc giám sát

Quyết định nêu rõ hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm: Danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp trong danh sách có người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động mới được tuyển dụng thì bổ sung thêm bản sao danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị.

Về trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện chủ yếu tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thời gian từ lúc Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đến khi Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho người lao động là 4 ngày.

Trao đổi tại buổi Họp báo, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐVN) cho biết, tổ chức Công đoàn vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động. Bản thân người lao động cũng rất mong chờ gói hỗ trợ này. Qua chính sách này, việc hỗ trợ cho người lao động, nhưng thực chất cũng là hỗ trợ cho doanh nghiệp. Từ đó, họ giữ chân người lao động, phục hồi sau đại dịch.

Liên quan đến thủ tục nhận hỗ trợ, ông Quảng lưu ý về thủ tục xác nhận từ chủ thuê trọ. Nhiều trường hợp như chủ nhà trọ không phải ở địa bàn, lại giao cho người khác quản lý. Người lao động đến trực tiếp chủ nhà trọ để xin xác nhận cũng rất phiền hà. Bên cạnh đó, hầu hết chỉ 1 công nhân đứng ra thuê trọ. Sau đó, họ “kéo” thêm 4-5 lao động về ở chung. Ngoài ra, nhiều chủ trọ tâm lý xác nhận nhiều, nên có thể gây khó khăn cho người lao động. “Vì chi trả hỗ trợ bằng tiền ngân sách, nên phải yêu cầu xác nhận từ phía chủ cho thuê trọ. Song, chúng ta cần có phần mở khi trong quá trình tổ chức thực hiện”- ông Quảng nói.

Theo đúng tinh thần của Nghị quyết, tổ chức Công đoàn sẽ tăng cường tuyên truyền để người lao động biết đến chính sách sẽ được thụ hưởng hưởng. “Chúng tôi sợ nhất khi tiền hỗ trợ về doanh nghiệp nhưng họ có chi trả kịp thời cho người lao động hay không. Để giám sát việc thực hiện chi trả này, chúng tôi sẽ có văn bản” - ông Quảng nhấn mạnh.

Theo vị này, khi được UBND tỉnh phê duyệt, tiền hỗ trợ chuyển về doanh nghiệp thì nên có thông báo cho tổ chức Công đoàn và các tổ chức liên quan. Từ thông báo này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện giám sát chính sách.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho hay: “Ngay sau họp báo, chúng tôi sẽ phê duyệt kế hoạch triển khai Quyết định đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương. Từ đó, tiến hành việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thúc đẩy việc chi trả nhanh nhất đến người lao động”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn