MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động trong các doanh nghiệp ở Cần Thơ. Ảnh: TR.L

41.396 lao động và 82,45% DN sản xuất công nghiệp hoạt động trở lại

TRẦN LƯU - TẠ QUANG LDO | 29/10/2021 07:00

Các doanh nghiệp (DN) tại Cần Thơ mong muốn: Khi xuất hiện ca nhiễm ở đâu, chỉ khoanh vùng ở chỗ đó, để họ không bị đứt gãy chuỗi sản xuất. Ngoài ra, nhiều mô hình sản xuất đang được các DN áp dụng để thích nghi trong “tình hình mới”…

Thay đổi để thích ứng

Ông Ngô Văn Chơn - Giám đốc điều hành Công ty CP May Tây Đô, TP.Cần Thơ - cho biết, công ty có 1.250 lao động, hiện đã có 97% trong số này được tiêm vaccine, số còn lại, vì lý do sức khỏe nên chưa tiêm được. Hiện công ty đang thực hiện tái sản xuất theo lộ trình “2 tại chỗ, vùng xanh”, trong đó, công nhân cam kết đi về từ nhà tới công ty và ngược lại. Ngoài ra, chỉ công nhân ở khu an toàn mới được đi làm, hoặc đã tiêm vaccine đủ thời gian theo quy định. Hiện đã có 85% công nhân tham gia hoạt động tái sản xuất.

“Công ty có 95% thị trường dành cho xuất khẩu. Việc khôi phục sản xuất đã giúp chúng tôi giải quyết những đơn hàng tồn đọng trong thời gian qua. Nghị quyết 128 đã mang lại nhiều khởi sắc, trong đó, xuất hiện dịch ở đâu thì chỉ khoanh vùng ở đó và ở quy mô nhỏ nhất. Lấy ví dụ như công ty có 8 bộ phận sản xuất chẳng hạn, khi xuất hiện ca nhiễm trong bộ phận nào thì khoanh vùng nơi đó, mà không phải đóng cửa toàn bộ nhà máy. Chúng tôi mong muốn cách làm này tiếp tục được duy trì, để doanh nghiệp không bị đứt gãy chuỗi sản xuất” - ông Chơn nói.

Ông Nguyễn Văn Bắc - Phó Giám đốc Công ty CP May Việt Thành (Cần Thơ) - cho biết, công ty chuyên may xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Mỹ. Trong 4 tháng bùng phát dịch bệnh chúng tôi duy trì mô hình sản xuất “3 tại chỗ” và đã thuê khách sạn để bố trí 500 chỗ ở cho công nhân lao động. Dự kiến từ đầu tháng 11, công ty sẽ chuyển sang thực hiện mô hình “2 tại chỗ, vùng xanh”.

Theo ông Bắc, Nghị quyết 128 đã mở ra nhiều tín hiệu lạc quan cho doanh nghiệp trong quá trình khôi phục sản xuất. Trước tác động của dịch bệnh, công ty cũng đã thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng trong “tình hình mới”.

“Công ty hiện có 15-18 bộ phận, dây chuyền sản xuất. Lấy ví dụ, nếu trước đây mỗi bộ phận, dây chuyền có 40 người làm việc, khi xuất hiện 1 ca F0, thì 39 người còn lại sẽ là F1. Bây giờ, chúng tôi lại chia các bộ phận, dây chuyền thành nhiều cụm nhỏ, mỗi cụm có khoảng 4 người làm việc. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, vừa hạn chế tối đa số người tiếp xúc nhau, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch khi xuất hiện ca nhiễm. Dịch bệnh chắc chắn sẽ không mất đi, nên DN buộc phải thay đổi để thích ứng” - ông Bắc cho biết thêm.

“Mở cửa” bền vững

Theo Sở Công Thương TP.Cần Thơ, tính đến ngày 25.10, trên địa bàn thành phố có 963/1.168 DN sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, đạt tỉ lệ 82,45%. Số lao động trong các DN hoạt động lại là 41.396 lao động, tương đương 56,85%. Trong đó, tỉ lệ DN trong KCN hoạt động lại đạt 65,88%, tương đương với 112/170 DN; DN ngoài khu công nghiệp hoạt động lại chiếm 85,27%, tương đương 851/998 DN đang hoạt động. Đối với 205 DN chưa hoạt động trở lại (tương đương 17,55%) do chưa đảm bảo về thời gian tiêm vaccine, chưa kịp thời xây dựng phương án và gửi về cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, Ðại học Fulbright Việt Nam cho rằng, khi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trở lại hoạt động. Ngoài những công nhân đã được tiêm vaccine liều 1, còn lại nếu chưa tiêm thì xét nghiệm định kỳ đối với nhóm nguy cơ cao; Không tiếp xúc trực tiếp giữa các tổ, dây chuyền sản xuất. Nếu có ca dương tính xuất hiện ở khâu nào thì chỉ khoanh vùng, xử lý ở khâu đó, không đóng cửa cả doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - khẳng định: Thành phố đã xác định mở cửa khôi phục hoạt động theo lộ trình đối với DN sản xuất công nghiệp, DN thương mại dịch vụ, DN kinh doanh vận tải, thậm chí là các cơ sở, hộ kinh doanh cá thể trong điều kiện bình thường mới. Bởi mỗi thành phần kinh tế đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế của thành phố. Vì vậy, ở từng loại hình DN, các sở, ngành chức năng cùng các quận, huyện được giao nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể để DN kịp thời khôi phục hoạt động sản xuất trên cơ sở đảm bảo an toàn, thích ứng linh hoạt với diễn biến tình hình dịch bệnh…

Thành phố mong rằng, cộng đồng DN tiếp tục khắc phục và vượt qua khó khăn bằng mọi giá để giữ chân khách hàng, giữ vững thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Việc giữ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần cùng thành phố thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn