MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đến nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội. Ảnh: Mạnh Dũng

70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng, 3,5-5 triệu lao động có nguy cơ mất việc

ANH THƯ LDO | 28/08/2020 08:37
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự báo sẽ tác động mạnh đến thị trường lao động. Số người lao động (NLĐ) thất nghiệp sẽ còn tăng trong thời gian tới đây nếu tình hình dịch không được kiểm soát tốt.

Số NLĐ thất nghiệp sẽ còn tăng

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, thời điểm trước dịch COVID-19, mỗi tháng có khoảng 80.000-90.000 người tham gia vào thị trường lao động (LĐ). Riêng lực lượng LĐ có việc làm thông qua đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là khoảng 11.000 người/tháng. Tuy nhiên, từ thời điểm tháng 4-5, thị trường LĐ mất khoảng 60.000 việc làm mỗi tháng bởi doanh nghiệp (DN) bị đứt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được, dẫn đến tình trạng NLĐ bị ngưng việc, giãn việc, mất việc.

Bộ LĐTBXH đánh giá, đợt dịch COVID-19 lần 2 sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường LĐ do thị trường hàng hóa đóng băng. Các DN tư nhân, DN vừa và nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 7, số DN ngừng kinh doanh tăng 41,5 % so với cùng kỳ năm ngoái. Số LĐ thất nghiệp sẽ còn tăng nếu từ giờ đến cuối năm không kiểm soát tốt tình hình dịch.

Trước tình hình đó, Bộ LĐTBXH đã tham mưu với Chính phủ gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2 với phương án hỗ trợ toàn diện để ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất; tập trung hỗ trợ vào nhóm các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ...

Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH đã tính đến kịch bản xấu nhất, trong những tháng cuối năm, số NLĐ mất việc làm có thể tăng khoảng 60.000-70.000 người/tháng. Số DN bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%; số NLĐ bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người. Trước đó, tác động của dịch COVID-19, quý II/2020 ghi nhận mức tăng trưởng của nền kinh tế thấp nhất trong vòng 10 năm qua (chỉ tăng 1,81%); cùng với đó là khoảng 1,3 triệu LĐ bị thất nghiệp.

Chính sách hỗ trợ NLĐ

Trao đổi về vấn đề này, ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm (TTDVVL) Hà Nội - cho hay, hàng ngày, các cơ sở của trung tâm trên địa bàn Hà Nội có khoảng 400 lượt NLĐ đến khai báo tình trạng việc làm và đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Thời điểm này so với cùng kì năm 2019 vẫn chưa có sự gia tăng đột biến.

Ông Thảo cho rằng, mặc dù dịch COVID-19 tái bùng phát và có diễn biến phức tạp, song thị trường LĐ tại Thủ đô vẫn khá sôi nổi và chưa bị tác động nhiều của dịch. Phải căn cứ vào tình hình của dịch và mức độ kiểm soát dịch COVID-19 mới có thể đánh giá chuẩn xác tác động đến thị trường LĐ ra sao.

Theo Giám đốc TTDVVL Hà Nội, thông thường NLĐ đến làm thủ tục BHTN có độ trễ hơn. Nếu như dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ từ tháng 1-3, số NLĐ đến trung tâm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cao điểm rơi vào tháng 4-5 vừa qua. Cho nên, cần chờ thêm thời gian nữa mới đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến LĐ, BHTN.

Ông Thảo cho rằng, NLĐ khi bị mất việc làm có thể tìm đến chính sách BHTN. Mục tiêu lớn nhất của chính sách này là giúp NLĐ thất nghiệp sớm quay lại thị trường LĐ. Vì vậy, ngoài việc nhận khoản trợ cấp thất nghiệp, NLĐ mất việc làm còn được hưởng thêm nhiều chế độ hỗ trợ khác, trong đó có học nghề miễn phí.

Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ nếu có nhu cầu học nghề chỉ cần làm đơn đăng ký là sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền trong suốt khóa học. Mỗi tháng, NLĐ được hỗ trợ 1 triệu đồng, thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng. Sau khi tốt nghiệp nghề, NLĐ sẽ được giới thiệu đến các DN làm việc hoặc tự tìm việc làm.

Số liệu của Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 565.000 người (tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019). Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp gần 7.000 tỉ đồng, tăng gần 40% so với năm 2019.

Trong đó, vùng Đông Nam bộ là nơi có nhiều người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhất (hơn 200.000 người, chiếm 37%); tiếp đến vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (hơn 100.000 người/vùng, chiếm 18%); thấp nhất là Tây Nguyên (15.000 người, chiếm 2,6%).

Số lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tập trung nhiều nhất ở các tỉnh, thành phố nơi có thị trường lao động phát triển, nhiều khu công nghiệp - khu chế xuất như TPHCM (88.990 người), Bình Dương (49.297 người), Đồng Nai (33.317 người), Hà Nội (38.154 người).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn