MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Thạch và nhiều người lao động khác phải làm thời vụ bốc vác trong lúc chờ trả lương và chốt sổ BHXH. Ảnh: Nhân vật cung cấp

75 công nhân ở Đồng Tháp bị doanh nghiệp nợ lương, BHXH

Tùng Linh LDO | 04/03/2024 09:15

Chi nhánh MFC Sa Đéc - Công ty Cổ phần Tập đoàn MFC (Viết tắt là Công ty MFC) nợ lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), kinh phí công đoàn của khoảng 75 công nhân với số tiền khoảng 2,2 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, anh Lưu Quang Thạch (Phường 2, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) - người đại diện hơn 70 công nhân Công ty MFC cho biết, từ đầu năm 2023, công ty bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, chậm trả tiền lương của công nhân từ 5 - 15 ngày so với quy định. Song, công nhân vẫn tin tưởng gắn bó với công ty vì muốn ổn định chỗ làm và chờ ngày khởi sắc.

Song, đến tháng 10.2023 công ty lại tiếp tục chậm trả tiền lương và đến cuối tháng 11, lãnh đạo công ty gọi toàn thể công nhân vào họp, thông tin tình hình khó khăn buộc phá sản.

“Họ mong chúng tôi thông cảm, hứa một thời gian ngắn sẽ trả đầy đủ lương và chốt sổ BHXH để chúng tôi tìm việc mới. Chúng tôi cũng tin vì nghĩ trước nay công ty đối xử tốt với mình thế nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì, anh em chúng tôi rất khổ!”, anh Thạch cho hay.

Chờ đợi quá lâu, nhất là khi Tết Nguyên đán năm 2024 cận kề, thời điểm đó, anh Thạch cùng một số công nhân trong công ty đến trình bày vụ việc với các cơ quan chức năng.

Đến ngày 29.12.2023, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp về việc giải quyết tiền lương, BHXH cho người lao động tại công ty với sự tham dự của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH TP Sa Đéc, Công an TP Sa Đéc, Ủy ban nhân dân phường An Hòa, Công đoàn các khu công nghiệp, khu kinh tế, đại diện tập thể người lao động và ông Hồ Xuân Hải, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn MFC.

Đại diện công ty cho biết, với điều kiện khó khăn, công ty đang liên hệ ngân hàng cơ cấu nợ, cơ cấu nguồn vốn. Do đó, công ty vẫn chưa có khả năng thanh toán trong thời gian 1 tháng tới. Hiện, tổng nợ lương, nợ BHXH, Công đoàn (khoảng 75 người) khoảng 2,2 tỉ đồng.

Cũng theo biên bản làm việc tại cuộc họp này, Công ty MFC cam kết đóng tiền chênh lệch BHXH với số tiền là 28.530.720 đồng và chi trả tiền nợ lương của khoảng 70 người lao động với số tiền hơn 700 triệu đồng trước ngày 4.2.2024.

Cho đến ngày 11.1.2024, Công ty đã đóng tiền chênh lệch BHXH để người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Về khoản nợ lương đối với lao động, Ban Quản lý Khu kinh tế đã nhiều lần liên hệ nhắc nhở, đôn đốc nhưng Công ty MFC vẫn chưa thanh toán tiền nợ lương cho người lao động.

“Dịp Tết năm 2024, anh em chúng tôi rất khó khăn vì không có lương, không được thưởng mà còn lâm cảnh mất việc, nói đúng hơn là chúng tôi không có được một mùa Tết trọn vẹn. Mọi người cố gắng tìm việc tạm bợ để cho qua cái Tết, cá nhân tôi cũng chật vật rất nhiều.

Hiện tại, tôi vẫn còn nợ tiền thuê trọ và phải làm bốc vác để đợi chốt sổ BHXH. Với mức lương không ổn định, có ngày được gần 200.000 đồng cũng có ngày chỉ 70.000 đồng, tôi rất mong muốn phía công ty sẽ nhanh chóng thực hiện cam kết với chúng tôi, đồng thời cơ quan chức năng vào cuộc để công nhân sớm có cơ hội tìm công việc mới và ổn định cuộc sống”, anh Thạch chia sẻ.

Được biết, Công ty MFC đã bàn giao Nhà máy MFC tại Khu A1, Khu công nghiệp Sa Đéc (tài sản thế chấp) cho Ngân hàng Vietinbank chi nhánh 1 - TP Hồ Chí Minh quản lý từ đầu năm 2024.

Ban Quản lý Khu kinh tế phối hợp với Công đoàn các khu công nghiệp, khu kinh tế làm việc với đại diện người lao động Công ty MFC để chia sẻ, động viên người lao động bình tĩnh, tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống. Ban Quản lý và các ngành liên quan tiếp tục theo dõi, đôn đốc Công ty MFC trả lương cho người lao động; thống kê danh sách những lao động có nhu cầu nhưng chưa tìm được việc làm mới để giới thiệu cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn