MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân lao động mong muốn giảm giờ làm việc trong tuần cùng với đảm bảo tiền lương, thu nhập. Ảnh: Quế Chi

76,2% người lao động tình nguyện làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập

Quế Chi LDO | 06/11/2023 06:00

Trong khi khu vực công đang áp dụng giờ làm việc 40 giờ/tuần thì khu vực tư, công nhân lao động đang làm việc 48 giờ/tuần. Nhiều công nhân lao động trong khu vực tư bày tỏ mong muốn được làm việc 40 giờ/tuần như công chức, viên chức Nhà nước, nhưng phải có mức lương đảm bảo cuộc sống.

Cực chẳng đã phải làm thêm

Anh Đỗ Văn Thanh làm công nhân tại KCN Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã 6 năm nay. Giờ làm việc chính thức của công ty là 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần. “Công ty tổ chức làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 và 2 ngày thứ 7 trong tháng; còn lại 2 ngày thứ 7 công nhân được nghỉ” - anh Thanh cho biết.

Anh Thanh hiện có mức lương cơ bản 6 triệu đồng/tháng. Trước đây, khi công ty nhiều việc, ngày nào anh cũng đi làm thêm, kể cả chủ nhật. Mức thu nhập ở thời điểm đó lên tới 16-17 triệu đồng/tháng. Hiện nay, công ty ít đơn hàng nên anh ít được làm thêm. Trong 1 tháng, anh công nhân quê Phú Thọ này làm 20 giờ; tổng thu nhập giảm xuống chỉ còn khoảng 7-8 triệu đồng/tháng.

“Là công nhân, ai cũng muốn có thu nhập cao để đảm bảo cuộc sống. Nhưng nếu làm việc 40 giờ/tuần như trong khu vực công và có được mức lương đủ sống, đảm bảo trang trải cho cuộc sống gia đình thì chắc chắn tôi sẽ lựa chọn phương án này. Đi làm thêm nhiều sẽ rất tổn hại sức khỏe, không có thời gian phục hồi cũng như ảnh hưởng đến việc chăm lo, nuôi dạy con” - anh Thanh bày tỏ.

Theo khảo sát về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của NLĐ năm 2023 do Ban Chính sách Pháp luật phối hợp Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) thực hiện vào tháng 4.2023, có 52,3% NLĐ làm thêm giờ; số ngày làm thêm trung bình 1 tháng là 10,71 ngày; số giờ làm thêm trung bình 1 ngày là 1,75 giờ. Có 76,2% NLĐ tham gia khảo sát “tình nguyện” làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, thời gian làm thêm giờ trung bình mong muốn là 47,3 giờ/tháng.

Lương phải đảm bảo cuộc sống

Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho NLĐ biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với NLĐ.

Trong khi đó, giờ làm việc khu vực công được điều chỉnh bởi Quyết định 188/1999/QĐ-TTg. Theo đó, quy định chế độ làm việc 40 tiếng mỗi tuần, 8 tiếng mỗi ngày nhằm nâng cao hiệu suất làm việc của công chức, viên chức, xử lý công việc hành chính gói gọn trong năm ngày. Việc này cũng nhằm tiết kiệm chi phí điện, nước và nhiều khoản khác do ngân sách chi trả.

Chị Phạm Thị Liên (trú tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) bày tỏ quan điểm, nếu có mức lương đảm bảo trang trải cho cuộc sống, chị muốn được làm việc 5 ngày/tuần (40 giờ/tuần), được nghỉ thứ 7, Chủ nhật.

“Hiện chồng tôi đang thất nghiệp do sức khỏe không đảm bảo. Vợ chồng tôi có 4 con nên rất cần thời gian để quan tâm, chăm lo. Nhưng hiện nay, tôi phải đi làm từ thứ 2 đến thứ 7; chỉ có ngày Chủ nhật là được trọn vẹn bên các con” - chị Liên chia sẻ.

Mới làm công nhân từ tháng 5.2023 (khi chồng thất nghiệp), mức thu nhập của chị Liên rất thấp - 5,5 triệu đồng/tháng. Công ty ít đơn hàng, không tổ chức làm thêm nên chị không có thêm thu nhập.

“Nếu làm 40 giờ/tuần và lương đảm bảo cuộc sống, chắc chắn nhiều NLĐ như tôi sẽ mong muốn. Lúc đó, tùy vào tình hình sức khỏe, kinh tế và các điều kiện khác, họ sẽ quyết định làm thêm hay không” - chị Liên nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn