MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS tham dự kỳ thi tiếng Hàn. Ảnh: Hải Nguyễn

8 huyện, thành phố tiếp tục bị cấm đưa lao động sang Hàn Quốc: Quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng

Quỳnh Chi LDO | 15/03/2023 08:16

Năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội từng công bố danh sách “khủng” với 58 quận/huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố không được cho lao động đi xuất khẩu tại Hàn Quốc. Sau rất nhiều nỗ lực của các bộ, ngành liên quan, sai phạm liên quan đến tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước của lao động người Việt tại Hàn Quốc có giảm nhưng hiện nay, vẫn có 8 huyện, thành phố tiếp tục bị cấm đưa lao động sang Hàn Quốc. Thực tế này cho thấy những tồn tại lâu dài, khó tháo gỡ của công tác xuất khẩu lao động.

Nhiều quy định ràng buộc nhưng vẫn nhiều sai phạm

Theo quy định của Hàn Quốc, các bản MOU về Chương trình lao động Hàn Quốc  (EPS) mà Hàn Quốc ký với các nước (đến nay đã ký với 15 nước) đều có quy định thời hạn có hiệu lực và sẽ được ký lại sau khi hết hạn. Việt Nam và Hàn Quốc ký MOU về EPS vào các năm 2004, 2006, 2008, 2010, 2016, 2018, 2021.

Sau gần 20 năm ký MOU, hơn 100.000 lao động Việt Nam đã sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này. Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao, chi phí xuất cảnh thấp và môi trường làm việc khá tốt. Hiện có gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp. Đến nay, EPS vẫn là kênh phái cử lao động chủ yếu sang Hàn Quốc.

Để đảm bảo không vi phạm các quy định của MOU, ngoài tăng cường truyền thông; phối hợp với cơ quan chức năng Hàn Quốc giám sát; Chính phủ còn ban hành Nghị định 112/2021/NĐ-CP ngày 10.12.2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, quy định về mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động với mức ký quỹ 2.000.000.000 đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (ngân hàng nhận ký quỹ). Ngoài ra, doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500.000.000 đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ. Trước đó, mức ký quỹ là 1 tỉ đồng.

Phía Bộ LĐTBXH cũng tăng cường công tác thanh kiểm tra, thu hồi giấy phép những DN vi phạm hoặc có đông lao động vi phạm, bỏ trốn... Tuy nhiên, những nỗ lực này không thể giải quyết triệt để những tồn tại lâu nay.

Mới đây, Bộ LĐTBXH thông báo tiếp tục dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc đối với người ở 8 huyện, thành phố thuộc 4 tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh do có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp. Cụ thể, các địa phương bị tạm dừng bao gồm: Huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh); thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa).

Lợi ích cá nhân ảnh hưởng quyền lợi người lao động

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương căn cứ theo MOU và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020-2022. Theo đó, việc tạm dừng tuyển lao động áp dụng với các quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Liên quan đến tình trạng cư trú bất hợp pháp/lao động bỏ ra ngoài khi chưa hết hạn hợp đồng hoặc hết hạn không về nước tại Hàn Quốc, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, những người lao động phá bỏ hợp đồng không chỉ làm ảnh hưởng đến hợp tác chung của giữa Việt Nam - Hàn Quốc mà còn gây hậu quả cho những người lao động khác tại địa phương. Bên cạnh đó, người lao động cư trú bất hợp pháp nếu bị người sử dụng lao động đối xử không tốt hoặc không được trả lương thì sẽ không có cơ quan nào can thiệp giúp đỡ.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trên thực tế, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai các hội nghị tuyên truyền vận động người lao động về nước đúng hạn; người lao động cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước để giảm tình trạng cư trú bất hợp pháp. Ngoài công tác vận động tuyên truyền, cán bộ phụ trách còn đến tận gia đình người lao động để vận động người thân tác động họ về nước khi hết hạn để có cơ hội trở lại làm việc sau khi kết thúc hợp đồng ban đầu.

Về nguyên tắc, Hàn Quốc có chính sách tiếp nhận người lao động trở lại, đặc biệt là những lao động thực hiện xong hợp đồng và về nước đúng hạn. Những người đã được gia hạn, nếu có trình độ tốt, kỹ năng tốt, ngoại ngữ tốt sẽ chuyển sang visa E7 (visa dành cho lao động có tay nghề cao). Đã từng có rất nhiều trường hợp được chuyển sang visa này nếu có nhu cầu.

Ông Liêm cũng cho hay, dù tồn tại trong lĩnh vực XKLĐ đã giảm nhiều nhưng vì đây là thực tế ảnh hưởng đến hình ảnh của người lao động Việt Nam ở nước ngoài nên vẫn phải làm mạnh. Trong bối cảnh dự kiến ký biên bản MOU mới vào tháng 4.2023, ngành LĐTBXH càng phải làm rốt ráo hơn.

Căn cứ bản ghi nhớ MOU về Chương trình lao động Hàn Quốc EPS (xuất khẩu lao động Hàn Quốc) giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, sẽ tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn làm việc với các quận/huyện có trên 70 người hoặc có 27% số người bỏ trốn hoặc hết hạn hợp đồng không về nước.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn