MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.Đạt

80-85% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm sau khi tốt nghiệp

PHÚC ĐẠT LDO | 18/03/2022 13:06

"80-85% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm sau khi tốt nghiệp" - đó là một trong những kết quả được báo cáo tại Hội nghị "Đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và Triển khai kế hoạch năm 2022 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn" (tổ chức ngày 18.3 tại TP.Huế).

Năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn đã có nhiều cố gắng, tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp quản lý; phát huy lợi thế về vị trí, địa điểm được đặt tại trung tâm các tỉnh, thành phố, đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 30 nghìn người lao động có tay nghề góp phần xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Cụ thể, trong năm 2021, tổng số học sinh, sinh viên tốt nghiệp là 67.780 người. Trong đó, học sinh, sinh viên tốt nghiệp học nghề là 24.202 người. Cao đẳng nghề 496 người, Trung cấp nghề 3.746 người và Sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 19.698. Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho đoàn viên và người lao động: 18.158 người, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ Công đoàn: 6.890 người, xe máy A1: 18.530.

Thực hiện chỉ tiêu đào tạo nghề năm 2021, kết quả của học sinh, sinh viên quy đổi là 17.605 người. Trong đó: Cao đẳng nghề 1.185 người, Trung cấp nghề 10.444 người; Sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên là 5.976 người.

Bà Khương Thị Nhàn - Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH - quán triệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 tại hội nghị. Ảnh: P.Đạt

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để học sinh, sinh viên cao đẳng và trung cấp thực tập sản xuất và thực tập tốt nghiệp. Trong quá trình thực tập, hầu hết các em học các nghề kỹ thuật, có kỹ năng tay nghề và yêu thích nghề đều được các doanh nghiệp nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp, có 80 - 85% học sinh, sinh viên có việc làm tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong kết quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn như: Có 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đạt chỉ tiêu đào tạo nghề theo quy định. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay thiếu số lượng giáo viên cơ hữu, yếu về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, vì vậy việc giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng được sự thay đổi quá nhanh của công nghệ hiện đại, tiên tiến. Kinh phí đầu tư của Nhà nước, tổ chức Công đoàn chưa đủ để đổi mới thiết bị dạy học. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cố gắng trong việc đổi mới các hoạt động dạy học của nhà trường, nguồn thu chủ yếu dựa vào ngân sách và cho thuê mặt bằng.

 Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (phải) và ông Vũ Hồng Quang - Phó Ban Chính sách Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam - chủ trì hội nghị. Ảnh: PĐ.

Tại hội nghị, các cơ cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã nêu ra những ý kiến đóng góp, những khó khăn, vướng mắc gặp phải như: Hạn chế của chất lượng cán bộ, giáo viên; hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; những thắc mắc khi hướng tới tự chủ tài chính về chi hoạt động thường xuyên... 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam - đánh giá, năm qua, tuy gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng những kết quả mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn đạt được là rất đáng ghi nhận. 

Trong năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục thực hiện phương án 473/PA-TLĐ ngày 25.5.2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc sắp xếp và tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn để phù hợp với Quy hoạch mạng lưới cơ cở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 của Chính phủ; Số hoá các chường trình đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm cơ sở vật chất, danh mục thiết bị dạy nghề theo quy định cho việc dạy các nghề trọng điểm quốc gia; Phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề đảm báo số lượng biên chế cơ hữu theo quy định...

“Thời gian tới, khi mà các trường chuyển sang cơ chế tự chủ thì sẽ phải hoạt động như một doanh nghiệp nên đòi hỏi rất cao tính năng động, chủ động, sáng tạo và hết sức linh hoạt. Vì vậy, chính đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên của các trường phải trực tiếp đi tiếp cận cơ sở, xây dựng các quan hệ với đối tác để có thêm các điều kiện về các nguồn lực để giúp cho sự phát triển của nhà trường. Còn kiến nghị của các trường thì Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp thu, có báo cáo tổng thể để thời gian tới sẽ có đề án phục vụ cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn” - ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn