MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để ổn định sản xuất, công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp này đã tập trung rất nhiều chính sách cụ thể để chăm lo đoàn viên người lao động. Ảnh: Hà Anh Chiến

97% doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động trở lại

HÀ ANH CHIẾN LDO | 30/10/2021 07:10
Tại Đồng Nai, sau các ngành giày da, may mặc, ngành công nghiệp hỗ trợ, điện tử có những bước phục hồi “thần tốc” thì các doanh nghiệp ngành sản xuất máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng cũng đang đẩy mạnh sản xuất khi đã đáp ứng 90% số lao động đi làm trở lại.

Doanh nghiệp phục hồi sản xuất thêm nhiều tín hiệu khả quan

Theo Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 29.10, đã có 1.656/1.713 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã phục hồi sản xuất trở lại (đạt tỉ lệ 97%) với tổng số lao động đang làm việc là 525.136/615.358 người (đạt tỉ lệ 85%).

Ông Lê Văn Danh - Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai - cho biết, đối với ngành sản xuất máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, tuy lực lượng lao động ít nhưng mặt hàng này tạo ra giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh Đồng Nai. Cụ thể là tại các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp và xây dựng; máy công nghiệp và khai khoáng; máy móc thiết bị gia dụng; thiết bị khoa học và y tế; đồ nhà bếp và đồ bàn ăn; vật liệu xây dựng, dụng cụ cầm tay và dụng cụ điện…

Ông Danh lý giải, trước làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, các mặt hàng máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng của các doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai ít bị ảnh hưởng hơn so với các ngành sử dụng nhiều nhân công như dệt may, da giày. Giai đoạn đầu, từ tháng 7.2021 đến hết tháng 9.2021, các doanh nghiệp này vẫn duy trì sản xuất bằng phương án 3 tại chỗ đến khi được chuyển sang phương án cho người lao động đi về hằng ngày.

Ngoài ra, do nguồn hàng và đơn hàng ổn định, các doanh nghiệp duy trì sản xuất đều đặn, kim ngạch xuất khẩu của ngành này vẫn đạt kết quả khả quan, người lao động cũng đã làm việc đạt trên 90%. 

Đặc biệt, tại Cty TNHH United Jumbo chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp, dụng cụ làm vườn đóng tại Khu công nghiệp Suối Tre, TP.Long Khánh có 2.077 lao động thì đều đã đi làm trở lại, đạt 100%; Công ty TNHH Olympus Việt Nam chuyên sản xuất và lắp ráp thiết bị và linh kiện thiết bị trong ngành Y tế đóng chân trên địa bàn Khu công nghiệp Long Thành (H.Long Thành) cũng có 1.589 lao động thì đều đi làm trở lại, đạt 100%.

Công nhân F0, F1 vẫn được trả lương

Sau khi Đồng Nai từng bước mở cửa phục hồi kinh tế, công nhân lao động được đi về hằng ngày để làm việc. Tại Đồng Nai cũng đã nảy sinh nhiều trường hợp công nhân mắc COVID-19. Do đó, để công nhân lao động yên tâm lao động sản xuất, công đoàn cơ sở các doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động để chăm lo cho người lao động. 

Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) - cho biết: “Trong tình hình mới, trong trường hợp công nhân là F1, F0 thì CĐCS cũng đang làm việc với BGĐ Công ty để trả đủ 100% tiền lương cho công nhân trong thời gian họ cách ly hoặc điều trị bệnh, tạo sự yên tâm cho công nhân khi tham gia phục hồi sản xuất” - ông Tú cho biết thêm.

Cụ thể: Đối với công nhân là F0 được công ty trả lương ngừng việc trong quá trình điều trị với mức 170.000 đồng/người trong 14 ngày đầu. Từ ngày 15 trả 85.000 đồng/ngày/người; đối với công nhân là F1 cũng được công ty chi trả mức từ 170.000 đồng/ngày/người trở lên; đối với công nhân là F2 cũng được chi trả 170.000 đồng/ngày/người trong 14 ngày đầu tiên. Từ ngày thứ 15 trở lên chi trả 85.000 đồng/ngày/người.

Tại Công ty CP Taekwang Vina, KCN Biên Hoà 2, Đồng Nai, trường hợp công nhân sau khi quay trở lại làm việc phát sinh F0, F1, CĐCS cũng đã chuẩn bị “Túi an sinh công đoàn” gồm các loại thuốc men, bình siêu tốc, bình nước nóng, nước súc miệng, nước rửa mũi, đồ xông hơi… để giúp công nhân nhanh hồi phục. 

Vừa qua, Công ty TNHH Changshin Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị chính quyền hỗ trợ Công ty thành lập khu cách ly tập trung. Hiện, công ty đã có 1 xưởng để cách ly. Do đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Đồng Nai ngày 29.10, ông Hồ Thanh Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai - đề nghị, các đơn vị, địa phương liên quan cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề này.

Ngoài ra, ông Sơn cũng đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cũng khẩn trương phối hợp với Công ty kinh doanh hạ tầng thành lập các khu cách ly tập trung trong doanh nghiệp, khu công nghiệp để thực hiện cách ly F0, F1 trong các doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn