MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh buổi họp chiều ngày 10.11 giữa LĐLĐ tỉnh An Giang và lãnh đạo Cty TNHH An Giang Samho bàn giải pháp hỗ trợ công nhân bị mất việc. Ảnh: CTV

An Giang hỗ trợ nhanh, giám sát chặt vụ hàng ngàn công nhân mất việc

Lâm Điền LDO | 11/11/2022 06:26

An Giang - Ngay sau khi thống nhất hỗ trợ công nhân bị mất việc từ tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp, tỉnh An Giang đã nhanh chóng thành lập Tổ giám sát hoạt động hỗ trợ này.

Hỗ trợ và tăng cơ hội việc làm

Sau nhiều lần họp bàn, chiều ngày 10.11, đại diện tổ chức Công đoàn và Công ty TNHH An Giang Samho đã nhanh chóng thống nhất nội dung hỗ trợ công nhân bị mất việc làm do công ty gặp khó khăn về đơn hàng.

Theo đó phía tổ chức Công đoàn, dù đang gặp khó khăn, nhưng với tinh thần phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, sau khi cân đối nguồn tài chính, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh đã nhanh chóng đi đến quyết định hỗ trợ cho mỗi đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn thuộc các trường hợp cắt giảm hợp đồng là 500.000 đồng/trường hợp.

Theo lãnh đạo LĐLĐ tỉnh An Giang, đây như là sự chung tay của cả hệ thống Công đoàn chia sẻ với mong muốn làm giảm một phần khó khăn đang bủa vây người lao động. Theo đó, LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 200.000 đồng; Công đoàn các khu công nghiệp 100.000 đồng và CĐCS công ty 200.000 đồng. Việc hỗ trợ sẽ được tổ chức thực hiện ngay sau khi công ty có thông báo danh sách chính thức số người lao động bị cắt giảm hợp đồng.

Cùng thời điểm này, sau nhiều lần đối thoại, chiều cùng ngày, ông Par Yeon Ho, Tổng Giám đốc Công ty TNHH An Giang Samho đã ký thông báo hỗ trợ người lao động bị cắt giảm lao động. Theo đó, Công ty đã thống nhất phương án hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi công nhân có tên trong danh sách cắt giảm mà công ty đã công bố, bao gồm người lao động dưới 12 tháng đã thôi việc sau khi nhận được thông báo.

Điều khiến cho hàng người lao động cảm thấy ấm áp hơn, khi thông qua hướng dẫn và bảo vệ của cơ quan chức năng và tổ chức Công đoàn, đã tác động và làm cho lãnh đạo Công ty giữ lại tiếp tục làm việc khoảng 1.000 lao động trong số hơn 3.500 lao động sẽ bị mất việc theo kế hoạch ban đầu. Trong đó, tiêu chí hàng đầu của ưu tiên này là lao động có hoàn cảnh khó khăn nhất.

Công khai, minh bạch

Không chỉ kịp thời tác động và tạo điều kiện tăng hỗ trợ chế độ hỗ trợ và cơ hội việc làm cho người lao động, tỉnh An Giang còn nhanh chóng thành lập hành lang an toàn, bảo vệ người lao động trong việc tiếp nhận chế độ hỗ trợ này.

Chiều ngày 10.11, ông Nguyễn Thanh Cường, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang đã ký Quyết định thành lập Tổ giám sát gồm 12 thành viên do ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh An Giang làm Trưởng đoàn. 4 Phó Trưởng đoàn, gồm: Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang; ông Nguyễn Hữu Giang, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh  An Giang; bà Nguyễn Hoàng Minh Thư, Trưởng Phòng Lao động – Việc làm (Sở LĐTBXH tỉnh An Giang) và ông Hồ Hữu Tài, Phó chủ tịch huyện UBND huyện Châu Thành cùng 7 thành viên là các ông, bà: Nguyễn Hoàng Thương, Phó Trưởng phòng PA04 Công an tỉnh An Giang; Diệp Thành Bu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh; Đỗ Quang Thái, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Châu Thành; Tô Minh Lắm, Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh An Giang; Lê Duy Vũ Đức, Phó đội trưởng đội An ninh Công an huyện Châu Thành; Võ Phạm Diễm Chi, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý doanh nghiệp (Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh) và Diệp Thanh Vinh, đại diện Khu công nghiệp Bình Hòa.

Tổ Giám sát có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện hỗ trợ cho người lao động bị cắt hợp đồng lao động, tuyên truyền, giải thích cho người lao động về chính sách hỗ trợ nêu trên. Cẩn thận hơn, Tổ giám sát còn thành lập đường dây nóng để liên hệ qua 2 số điện thoại của ông Diệp Thanh Vinh (0949.095.122)  và ông Tô Minh Lắm (0904.267.627).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn