MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước tặng quà cho đoàn viên, NLĐ Cty TNHH An Giang Samho. Anh: LĐ

An Giang: Người lao động lao đao vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Lâm Điền LDO | 12/11/2022 06:30
Hiện tổng số nợ BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh An Giang lên đến gần 200 tỉ đồng. Đáng lo hơn là đằng sau con số “khổng lồ” là nỗi khổ lòng về thân phận của những người lao động (NLĐ) trong cơn lốc mất việc dịp cuối năm.

Doanh nghiệp nợ nhiều, khó đòi

Ông Đặng Hồng Tuấn - Giám đốc BHXH tỉnh An Giang - cho biết, tính đến tháng 10.2022, tổng số nợ BHXH, BHTN, BHYT trên toàn tỉnh lên đến 194,948 tỉ đồng - đây là con số đáng lo. Bởi không chỉ chiếm 5,51% so với số phải thu, mà còn tăng cả 3 phương diện. 

Cụ thể là tăng 1,12% so với cuối tháng trước, tăng 1,08% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 2,33% so với chỉ tiêu giảm nợ quý IV/2022. Nổi bật nhất là nợ BHXH chiếm đến 137,121 tỉ đồng. Trong đó có đến trên 96 tỉ đồng thuộc diện nợ kéo dài và nợ khó thu hồi. Riêng nợ BHTN cũng lên đến trên 5,5 tỉ đồng, chiếm 2,88% tổng nợ… Trong khi đó, việc khai thác, phát triển BHXH lại có dấu hiệu giảm, nhất là BHXH bắt buộc. 

Trong tháng 10.2022, chỉ tính ở 2 DN là Công ty CP Đầu tư Thái Bình và Công ty TNHH An Giang Samho đã giảm trên 1.500 LĐ. Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN gặp rất nhiều khó khăn, phải cắt giảm LĐ do không có đơn hàng dẫn đến số người tham gia BHXH bắt buộc sụt giảm. Theo đó số người tham gia BHTN cũng giảm theo. 

Trước diễn biến thực tế tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, các chuyên gia dự báo tới đây nhiều khả năng công ty sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ kéo theo khả năng sụt giảm nguồn thu BHXH, nhất là đối tượng trong diện bắt buộc.

Người lao động lao đao

Nợ bảo hiểm tăng đã gây áp lực cho bộ máy nhà nước. “An Giang quyết tâm, quyết liệt với nạn nợ bảo hiểm” - ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh An Giang chia sẻ.  

Theo đó, cuối tháng 10.2022, An Giang đã khẩn cấp thành lập đoàn kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Tinh thần chung của đoàn kiểm tra là xử lý nghiêm minh các sai phạm, đặc biệt là với DN. 

“DN trốn đóng BHXH, đóng không đủ số LĐ thuộc diện tham gia bảo hiểm sẽ bị xử lý” - ông Phước nhấn mạnh. Thực tế tại An Giang thời gian qua cho thấy, nợ bảo hiểm trong DN thực sự là nỗi lo. Một số DN gặp khó khăn, giải thể, phá sản, nhưng không hoàn tất nghĩa vụ bảo hiểm đã gây thiệt thòi đến quyền lợi NLĐ, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Điển hình là Công ty TNHH An Giang Samho. Tính đến tháng 10.2022, DN này nợ BHXH, BHYT, BHTN: 33,427 tỉ đồng. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hàng nghìn NLĐ. 

Sau khi rộ thông tin DN này cắt giảm hàng nghìn NLĐ, BHXH tỉnh An Giang đã tiến hành rà soát và phát hiện nhiều con số đau lòng: Có 500 LĐ nghỉ việc chưa chốt BHXH và 36 LĐ nghỉ thai sản, ốm đau chưa được thanh toán. Riêng với NLĐ dự kiến sẽ cắt giảm, qua phối hợp rà soát danh sách đóng BHTN, xác định trong danh sách 2.589 LĐ do công ty cung cấp, chỉ có 971 LĐ đóng BHTN từ 12 tháng trở lên và có đến 1.618 LĐ đóng BHTN dưới 12 tháng. 

Điều đáng lo hơn là khả năng cải thiện tình hình không cao. Bởi khi được cơ quan BHXH đề nghị chuyển tiền nợ BHXH để giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ và chốt sổ hưởng BHTN theo quy định Luật BHXH, thì DN mong muốn được cơ quan bảo hiểm giải quyết cho NLĐ và cam kết sẽ “trả nợ sau”. Đề nghị này là không thể.

Có thể rồi đây, qua những tác động từ nhiều phía cũng như khả năng khởi sắc trong sản xuất kinh doanh, An Giang Samho cũng như các đơn vị khác sẽ hoàn thành nghĩa vụ bảo hiểm. Nhưng có điều chắc chắn là ngay bây giờ NLĐ đang đối mặt với nỗi lo kép: Đã mất việc lại khó nhận được nguồn tiền theo luật định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn