MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cà Mau có số tàu cá lớn nhưng khó tìm ngư dân. Ảnh: Nhật Hồ

An toàn cho lao động trên biển vẫn còn bỏ ngỏ

NHẬT HỒ LDO | 09/11/2023 09:18

Lao động ngư phủ tuyến biển từ Bạc Liêu đến Cà Mau gần như không có tổ chức nào đứng ra tuyển dụng, đào tạo nghề. Cuộc đời họ gắn với biển cả mênh mông, thường trực nhiều hiểm nguy trong khi cuộc sống ngày càng khó khăn do sản vật từ biển đang giảm.

Bị ép đi biển, bị bạo hành

Đầu năm 2023, TAND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đưa ra xét xử vụ bạo hành gây chấn động dư luận. Nạn nhân là những người chuẩn bị ra khơi đánh bắt thủy sản. Năm 2022, Biện Văn Tý liên hệ với nhiều đầu mối ở các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Kiên Giang... tìm lao động. Khi đã tìm được 8 người và tạm ứng tiền để họ lo cho gia đình, các lao động được người của Tý đưa về thị trấn Sông Ðốc. Hằng ngày họ được đưa đến nhà Tý ăn cơm, sau đó về phòng bị khóa bên ngoài, có người thay phiên canh giữ, lao động nào có hành động phản đối sẽ bị đánh dằn mặt... Vụ việc được Công an thị trấn Sông Ðốc phát hiện qua kiểm tra đột xuất các nhà trọ trên địa bàn và đã giải cứu các lao động.

Các ngư phủ đến từ nhiều địa phương khác nhau, hàng tháng trời lênh đênh trên biển, làm việc vất vả trong sóng gió nên họ dễ phát sinh tâm trạng bất thường. Vì thế, chỉ một cử chỉ khó coi, lời nói khó nghe là có thể phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ẩu đả, có khi hậu quả khó lường.

Ông Trương Văn Trung là ngư phủ trên tàu cá BT-97993-TS do Trần Công Toàn làm thuyền trưởng, xuất bến tại cửa biển Sông Ðốc vào tháng 1.2022. Quá trình đánh bắt trên biển, cho rằng ông Trung không biết làm việc, Toàn ra lệnh cho các ngư phủ trên tàu hành hạ ông Trung. 4 ngư phủ nhiều lần đánh đập ông Trung bằng đuôi cá đuối, cây xúc nước đá, vỏ xe... dùng kìm bấm bẻ gãy 4 răng hàm dưới của ông Trung... Đầu tháng 5.2022, ông Trung được Toàn cho quá giang tàu khác vào đất liền. Ông Trung trình báo chính quyền địa phương, Toàn và 4 ngư phủ chia nhau lĩnh án 26 năm tù...

Bị cho lười biếng và ngang bướng nên Nguyễn Văn Tuấn thường bị các ngư phủ cùng làm việc trên tàu BT-96534-TS ức hiếp. Cuối tháng 11.2022, tàu cá đang hoạt động trên vùng biển Cà Mau, thấy Tuấn làm việc chậm chạp, Trần Hoài Phong cầm dây xích ném vào người Tuấn, sau đó quăng Tuấn xuống biển và nhảy theo để dìm Tuấn dưới nước. 3 ngư phủ khác cũng đến tiếp sức với Phong... Sau đó Tuấn tắt thở. Những kẻ gây án chia nhau nhận 53 năm tù tại phiên tòa ngày 17.8.

Ngày 18.10, tàu cá BL-91367 TS xuất bến qua Trạm kiểm soát Biên phòng Gành Hào do ông Đoàn Văn Hận (37 tuổi, ngụ huyện Hòa Bình) làm thuyền trưởng, trên tàu có 15 ngư dân. Quá trình khai thác hải sản trên biển, ông Hận và ngư phủ Phan Văn Vắt (30 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) xảy ra mâu thuẫn. Trong lúc say rượu, hai bên xô xát, Vắt lấy hung khí đâm ông Hận tử vong...

Bảo vệ ngư phủ - chuyện không dễ

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu - cho biết, tỉnh có gần 900 tàu cá với tổng số lao động gần 6.000 người. Hiện đã thành lập được 1 Hợp tác xã và 32 Tổ hợp tác khai thác thủy sản, tổ tự quản trên biển, với 292 tàu, gần 2.000 lao động tham gia. Thông qua các HTX, Tổ hợp tác này thường xuyên tuyên truyền ngư dân đoàn kết, khai thác biển an toàn, hợp pháp.

Trong khi đó tại tỉnh Cà Mau có đội tàu khai thác thủy sản trên 4.900 chiếc, trong đó có 1.676 tàu khai thác xa bờ; sản lượng khai thác hằng năm bình quân khoảng 200.000 tấn. Số lao động thường xuyên trên biển trên 23.000 người.

LĐLĐ tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tại tổ chức Công đoàn chưa với tay tới lao động là ngư phủ. Nguyên nhân, hầu hết là lao động thời vụ, có thời gian lao động trên biển dài ngày nhưng hầu hết theo từng tàu cá nên rất khó để thành lập nghiệp đoàn hoặc công đoàn.

Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết, chi cục thường xuyên tuyên truyền vận động các chủ tàu, thuyền trưởng quan tâm đến mối quan hệ lao động trên biển. Chi cục phối hợp với Bộ đội Biên phòng thường xuyên nhắc nhở các chủ tàu cá, đặc biệt là tàu đánh bắt xa bờ quan tâm đến đời sống ngư dân, bạn tàu...

Phát biểu tại Đại hội Công đoàn tỉnh Cà Mau lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 -2028, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho rằng, Cà Mau có nghề đánh bắt hải sản được xem là mũi nhọn nên cần quan tâm gắn kết ngư dân thành một khối thống nhất, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế biển.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị tỉnh nghiên cứu thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá để tập hợp lao động nghề cá; đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ngư dân, giúp ngư dân có thêm sức mạnh, vững tin vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn