MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các công nhân Công ty May mặc Triple sẽ được hưởng 70% lương, nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng trong thời gian tạm nghỉ việc vì COVID-19. Ảnh: Nam Dương

Ảnh hưởng của COVID-19: Nhiều công ty tạm dừng hoạt động

Nhóm phóng viên LDO | 03/04/2020 14:00
Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo sức khoẻ của người lao động (NLĐ) cũng như điều chỉnh lại hoạt động sản xuất tại dây chuyền trong nhà máy, nhiều công ty đã tạm dừng hoạt động, NLĐ nghỉ việc.

Hàng tỉ đồng hỗ trợ người lao động

Ngày 1.4, ông Đinh Quang Dương - Chủ tịch Công đoàn Công ty (Cty) Yamaha Motor Việt Nam - cho biết, từ ngày 1-15.4, sẽ có hơn 5.000 NLĐ tạm thời nghỉ việc. Cty sẽ trả lương với mức 70% mức lương cơ bản. Hiện nay, tại Cty, chỉ còn số ít, cán bộ, NLĐ thực hiện kiểm tra kiểm tra an toàn máy móc thiết bị nhà xưởng. Ngoài tiền lương công việc được nhận, trước khi nghỉ, lãnh đạo và CĐ Cty Yamaha Motor Việt Nam quyết định ủng hộ mỗi cán bộ, NLĐ trong Cty 500.000 đồng (chuyển vào tài khoản ngân hàng, để tránh tiếp xúc gần), tổng số tiền là hơn 2,5 tỉ đồng…

Cty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) có hơn 3.000 NLĐ. Để đảm bảo sức khoẻ của NLĐ và điều chỉnh dây chuyền sản xuất, Cty đã cho NLĐ nghỉ việc từ ngày 1 - 5.4.

Ngày 2.4, ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn (CĐ) các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Ninh - cho hay, hiện tại, trong các KCN tỉnh Bắc Ninh đang có 2 Cty cho NLĐ nghỉ việc để phòng chống COVID-19. Trong thời gian nghỉ, công nhân (CN) được hưởng bằng mức lương tối thiểu vùng. 

Cụ thể, ngày 28.3, Cty TNHH Dong Jin Việt Nam có thông báo cho toàn thể NLĐ được nghỉ việc từ ngày 30.3.2020 cho đến khi có thông báo lại. Mức lương hưởng khi nghỉ việc bằng với mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với Cty (3.430.000 đồng).

Tiếp đó, ngày 31.3, Cty Yamato Industries Việt Nam cũng có thông báo cho toàn thể cán bộ NLĐ viên được nghỉ việc từ ngày 1.4 cho tới khi có thông báo đi làm trở lại. Mức lương hưởng khi nghỉ việc từ ngày 1.4 đến 15.4 bằng mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với Cty (3.920.000 đồng).

Theo ông Nguyễn Thế Quyết, tổng cộng 1.800 NLĐ lao động tại 2 doanh nghiệp trên tạm thời nghỉ việc.

NLĐ chia sẻ với doanh nghiệp

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bắt đầu từ sáng 2.4, toàn bộ hơn 2.600 NLĐ của Cty TNHH May mặc Triple Việt Nam (ở huyện Củ Chi, TPHCM) đã tạm nghỉ việc đến hết ngày 15.4 theo quyết định của Ban giám đốc Cty.

Ông Lê Trần Thanh Hải - Chủ tịch CĐ Cty TNHH May mặc Triple Việt Nam - nói rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ban giám đốc Cty đã tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở (CĐCS) Cty và đi đến quyết định trên. Trong thời gian nghỉ việc, NLĐ sẽ được hưởng 70% tiền lương. Nếu trường hợp nào mà 70% tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì sẽ được nhận bằng tiền lương tối thiểu vùng (đang áp dụng tại huyện Củ Chi, TPHCM là 4,42 triệu đồng/tháng-PV).

Chị Trương Thị Tố Nghi - CN chuyền may 57, Cty Triple Việt Nam - chia sẻ: “Việc phải nghỉ việc như thế này, tuy có ảnh hưởng đến tiền lương, thu nhập của NLĐ, nhưng tôi thấy Cty giải quyết chế độ tiền lương như thế là thỏa đáng. Mọi người trong Cty đều hài lòng. Trong lúc khó khăn, NLĐ cũng cần phải chia sẻ với doanh nghiệp”. 

Tại quận Bình Tân, khi gặp khó khăn, Cty CP Giày An Lạc đã phải cho 265 NLĐ trực tiếp nghỉ việc từ ngày 1.3. Cty đã hỗ trợ cho 265 NLĐ phải nghỉ việc mỗi người một tháng lương cơ bản với tổng số tiền là 1,38 tỉ đồng (bình quân 5,6 triệu đồng/người). Ngoài ra, Cty còn nhanh chóng hỗ trợ các thủ tục để NLĐ đi đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo báo cáo của LĐLĐ TPHCM, đến nay, có gần 7.500 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có tổ chức CĐ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Theo đó, tổng số lao động bị ảnh hưởng là trên 206.000 người, trong đó có 13.910 lao động trong các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể.

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch Công đoàn KCN Biên Hòa (Đồng Nai) - cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho NLĐ tạm thời nghỉ việc và việc chi trả chế độ cho NLĐ bằng nhiều cách. Trong đó, có các doanh nghiệp chi trả từ 50%, 70%, 75%… lương cho NLĐ. Có doanh nghiệp chi trả bằng mức lương tối thiểu vùng, cũng có doanh nghiệp thương lượng với NLĐ nghỉ không hưởng lương.

Để giảm bớt khó khăn, gánh nặng, các doanh nghiệp cũng có nhiều giải pháp khi cho NLĐ tạm thời nghỉ việc, như thương lượng với NLĐ cắt phép năm, hoặc thương lượng với NLĐ làm việc tuần 3 buổi không hưởng lương, trừ vào phép năm… Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài, khi NLĐ nghỉ hết phép, doanh nghiệp tiếp tục thương lượng với NLĐ để nghỉ không lương.

Theo thống kê tại Công đoàn các KCN Biên Hòa (Đồng Nai), mức trả lương cho NLĐ cao nhất là tại Cty M.R.G (tại KCN Amata, TP.Biên Hòa, Đồng Nai; có khoảng 1.900 lao động), NLĐ được nghỉ và hưởng 90% lương. Còn tại KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa, nhiều NLĐ san sẻ với Cty bằng cách nghỉ việc không lương vào các ngày thứ 7 trong tháng.

Thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ NLĐ mất việc

Ông Lê Minh Quốc Cường - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bình Dương - cho biết, về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong dịch COVID-19 gồm các hộ nghèo, NLĐ mất việc... địa phương đang chờ hướng dẫn cụ thể thực hiện. 

Ở góc độ địa phương, sở đang thực hiện các giải pháp để kịp thời hỗ trợ cho NLĐ khó khăn do bị mất việc làm. Trước mắt, với lao động tự do, sở đã đề nghị hỗ trợ người bán vé số nghèo có hộ khẩu Bình Dương mỗi ngày 60.000 đồng/người/ngày, trong thời gian 15 ngày. Đối với NLĐ có HĐLĐ nhưng bị mất việc, sở đang tích cực giải quyết hồ sơ để họ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Song song đó, sở tăng tính giới thiệu kết nối doanh nghiệp đang tuyển dụng để NLĐ nhanh chóng tìm việc làm mới.Đình Trọng

Thỏa thuận trả lương nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cũng đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho NLĐ trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch COVID-19.

Theo đó, đối với các trường hợp lao động nước ngoài chưa được quay trở lại làm việc trong thời gian có dịch theo quy định, NLĐ phải thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, NLĐ phải ngừng việc do doanh nghiệp, bộ phận của doanh nghiệp không vận hành được vì những NLĐ khác trong thời gian chưa quay trở lại làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì tiền lương trong thời gian ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng (lương tối thiểu vùng trên địa bàn TPHCM gồm vùng II là 3,92 triệu đồng/tháng áp dụng với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Cần giờ) và vùng I là 4,42 triệu đồng (áp dụng với các quận, huyện còn lại).

Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch ảnh hưởng đến nguồn nguyên vật liệu, thị trường, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thể tạm thời chuyển NLĐ sang làm công việc khác theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động 2012 (tối đa không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của NLĐ– PV). Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận tạm ngưng HĐLĐ theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động 2012. Trường hợp doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động 2012.

Nam Dương ghi

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn