MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Lê Bá Minh bên chiếc máy do anh và các cộng sự chế tạo giúp việc cắt linh kiện có yêu cầu khá cao về độ chính xác trở nên dễ dàng.Ảnh: LAM PHƯƠNG

Anh kỹ thuật viên mê chế tạo máy

THÙY TRANG LDO | 20/04/2017 06:00
Cho ra đời chiếc máy phay-cắt linh kiện tự động có độ chính xác đến 1/1.000mm với chi phí bằng 1/3 một chiếc máy nhập ngoại, anh Lê Bá Minh - kỹ thuật viên của Cty Daiwa tại Đà Nẵng - đã chứng minh cho nhiều người thấy rằng, người Việt cũng không thua kém bất kỳ ai, rằng trí tuệ Việt Nam nếu được khuyến khích sẽ còn tiến xa hơn trong tương lai.

Đưa trí tuệ Việt vào lao động sản xuất

Năm 2015, cùng đội ngũ kỹ thuật của Cty, anh Lê Bá Minh - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Cty Daiwa Việt Nam - đã cho ra đời chiếc máy phay-cắt linh kiện tự động. Sản phẩm đã giúp anh lọt vào nhóm 10 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những sáng tạo trong lao động sản xuất năm 2017 sắp tới.

Nói về đứa con tinh thần của mình, anh Minh cho hay, tại nhà máy có nhiều linh kiện quan trọng đang được gia công bằng phương pháp tiên tiến, sử dụng máy gia công kim loại hiện đại. Thế nhưng, nhiều linh kiện phức tạp, thời gian gia công rất dài nên khi sản lượng tăng cao, máy móc sẽ không đáp ứng được cho sản xuất. Từ thực tế đó, Cty luôn cần có những máy gia công cắt gọt hỗ trợ cho máy chính. Nắm bắt được nhu cầu của Cty, trong một chuyến tham quan nhà máy có chi nhánh ở Trung Quốc, anh Minh nhanh chóng tìm hiểu về chiếc máy cắt đang hoạt động tại đây. Đọc kỹ thuật, chụp ảnh mọi thứ, anh Minh mang về phân tích cái được và chưa được của loại máy này. Nghĩ rồi, anh bắt tay vào làm đề án gửi lãnh đạo. Nhận sự khích lệ của mọi người, mất 10 tháng, anh cùng nhóm lỹ thuật mới cho ra đời sản phẩm đầu tiên với không biết bao nhiêu lần sửa chữa, thay đổi từng chi tiết.

Đến cuối năm 2016, chiếc máy thứ 2 tiếp tục được đưa vào vận hành và mang lại kết quả tuyệt vời. Với sản phẩm máy phay-cắt linh kiện tự động do anh Minh chế tạo, việc cắt linh kiện có yêu cầu khá cao về độ chính xác đã trở nên dễ dàng. Đặc biệt, chi phí thiết kế, chế tạo một chiếc máy có giá 7.995USD, trong khi nếu đặt hàng chế tạo từ Nhật sẽ tốn khoảng 20.000USD.

Chia sẻ về công việc của mình, anh Minh tự hào: “Trong số 4 chi nhánh của Cty Daiwa thì về chế tạo máy, Cty tại Việt Nam luôn đi đầu. Đó là niềm tự hào lớn của anh em kỹ thuật của chúng tôi, rằng người Việt cũng không hề thua kém ai”.

Anh kỹ thuật mê sáng tạo

Gắn bó với vị trí kỹ thuật gần 10 năm, với những công việc sửa chữa, bảo dưỡng máy móc và chế tạo một vài bộ phận nhỏ của dây chuyền sản xuất, vậy nhưng anh kỹ thuật viên Lê Bá Minh lại không muốn dừng lại ở đó. Cứ nghe được lời động viên, khích lệ nào, anh lại mày mò chế tạo máy. Để đến nay anh Minh đã cho ra đời nhiều chiếc máy lớn nhỏ, áp dụng vào dây chuyền sản xuất của Cty.

Nói về cơ duyên đến với việc chế tạo máy, anh Minh chia sẻ: “Một phần do nhu cầu của Cty luôn cần đổi mới để tăng năng suất, một phần khác là cá nhân tôi cũng muốn thử sức mình, không dễ ở đâu mà mình có điều kiện được khuyến khích tìm tòi, được làm nên tôi muốn xem khả năng của mình đến đâu”.

Năm 2014, anh Minh đã được LĐLĐ TP.Đà Nẵng tặng bằng khen với một sáng chế khác. Ngày hay tin được là một trong những người nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, anh Minh cho hay: “Có hàng triệu lao động cả nước vậy mà mình được nhận bằng khen thì quá bất ngờ, tôi tự thấy bản thân chưa thực sự làm gì nhiều mà đây là công sức của tập thể anh em cơ quan”.

Nói về việc khen thưởng cho thành quả của mình, anh Mình cười: “Với tôi, phần thưởng hay lời khen chỉ là một phần, còn cái “máu” tò mò thì luôn có sẵn nên thời gian đến tôi vẫn sẽ làm thêm những chiếc máy khác”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn