MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Áp lực công việc, lương không đủ sống khiến công chức, viên chức nghỉ việc

Bảo Hân LDO | 03/10/2022 16:23

Áp lực công việc và lương không đủ sống chính là 2 nguyên nhân cốt lõi khiến nhiều công chức, viên chức nghỉ việc, trong đó 3 đối tượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều nhất là cán bộ xã, phường; giáo viên và nhân viên ngành y tế. 

Ông Mai Đức Chính – nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – chia sẻ như trên khi trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về thông tin 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc trong 30 tháng qua. 

Đối với cán bộ xã phường, ông Chính phân tích, những đối tượng này đang chịu áp lực công việc rất lớn. 

Lấy ví dụ tại thành phố nơi mình đang sống, ông Chính cho biết: “Thành phố Hồ Chí Minh có gần 13 triệu dân; có những phường có số dân rất lớn, trong khi đó định biên ở những phường có số dân lớn cũng chỉ được 37 công chức, trong khi đó, họ phải giải quyết rất nhiều công việc. Qua theo dõi, tôi thấy có người phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 21 giờ vẫn chưa hết việc”. 

Nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói thêm, đối tượng này hầu như bị quá tải trong công việc, 1 cán bộ phải tiếp rất nhiều người dân, trong khi đó thu nhập của cán bộ xã phường vẫn thấp, không đủ để trang trải cho cuộc sống. 

Đối với giáo viên, áp lực công việc cũng tương tự, nhất là ở những nơi nhiều dân nhập cư, tăng dân số cơ học cao, sĩ số học sinh/lớp lớn. Một năm, dân số tại thành phố Hồ Chí Minh tăng cỡ khoảng 1 quận, huyện, lực lượng học sinh vào các trường rất đông. Tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), vừa qua phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào học trường mầm công lập là một ví dụ. Ngoài ra, thay đổi về chương trình sách giáo khoa mới khiến giáo viên phải làm rất nhiều việc, tạo nên áp lực tới giáo viên. Áp lực cao hơn nhưng thu nhập của giáo viên không tăng theo tương ứng, khiến cuộc sống còn khó khăn, nhất là đối với những giáo viên còn phải đi thuê nhà… Nhiều người sẽ chọn nghỉ việc để đi làm công việc khác có thu nhập cao hơn.

Còn đối với đối tượng là nhân viên y tế, sau dịch COVID-19, họ phải chịu áp lực rất lớn. Tại thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải khi người bệnh “vượt cấp” từ dưới lên. Áp lực, mệt mỏi trong khi thu nhập không cải thiện khiến nhiều người rời bỏ các cơ sở công lập để làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài… 

Để khắc phục tình trạng này, ông Mai Đức Chính cho rằng, điều cốt lõi, cơ bản, lâu dài là phải cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (ban hành vào ngày 21.5.2018).   

Theo ông Chính, do dịch COVID-19, nên Đảng, Chính phủ kêu gọi cán bộ công chức trước mắt chưa điều chỉnh tiền lương, nhưng đến thời điểm này thì giá cả tăng, thu nhập đã không đủ sống thì buộc công chức, viên chức phải tự cứu mình trước. Vì vậy, tới đây phải thực hiện ngay phải cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27; nếu chưa cải cách tiền lương thì phải dành ra một khoản để điều chỉnh mức lương cơ sở, chứ không thể ở mức 1.490.000 đồng như hiện nay được.  

Cùng với đó, theo ông Chính, để giảm áp lực, quá tải đối với đội ngũ công chức, viên chức thì biên chế phải linh hoạt, căn cứ vào quy mô dân số, kể cả ở trường học, bệnh viện cũng cần áp dụng tương tự. “Giảm biên chế có thể ở một số bộ phận nào khác, nhưng đối với y tế, giáo dục, hay ở xã phường, cần phải tính biên chế theo quy mô dân số (ví dụ phường có đông dân hơn thì biên chế cán bộ phải nhiều hơn), không cứng nhắc về số lượng biên chế” – ông Chính nêu quan điểm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn