MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuống thủ đô làm công nhân được 4 tháng thì chị Nguyễn Diệu Linh đã có 3 lần luân chuyển bộ phận. Ảnh: Phương Hân

Áp lực của công nhân trong nhà máy

Phương Hân LDO | 26/07/2022 06:43
Ngoài việc tăng ca thêm 4 tiếng mỗi ngày, đi làm cả thứ 7, chủ nhật, công nhân chịu thêm áp lực là thường xuyên phải luân chuyển bộ phận và kèm theo những chỉ tiêu về sản lượng, sản phẩm khiến họ không có thời gian nghỉ ngơi.

Không dám... đi vệ sinh

Đối với chị Nông Thị B (công nhân một công ty may tại tỉnh Bắc Giang), áp lực lớn nhất khi đi làm tại công ty là sản lượng. Công ty áp sản lượng sản phẩm cho dây chuyền sản xuất, ví dụ một ngày cả chuyền phải làm được 11.000 sản phẩm; nếu hoàn thành thì ngày hôm sau sẽ tăng lên mức 11.500 sản phẩm.

Vì liên quan đến tất cả những người trong chuyền - mỗi người phụ trách một công đoạn - nên ai cũng phải cố gắng hoàn thành để không bị ảnh hưởng đến người khác cũng như ảnh hưởng đến sản lượng của cả chuyền.

“Nếu không hoàn thành sản lượng trong ngày là sẽ phải nghe những lời lẽ khó nghe từ quản lý. Ở nhà, bố mẹ, anh em mình cũng không nói như vậy với mình. Tất cả vì miếng cơm, manh áo” - chị B ngậm ngùi và nói thêm, ngày nào dây chuyền nơi chị làm việc cũng phải nói về câu chuyện sản lượng.

Áp lực về sản lượng còn khiến chị B không dám đi vệ sinh. Theo giải thích của chị B, hiện máy tại bộ phận chị làm việc đang bị trục trặc nên chậm; hơn nữa, lại thiếu người mà không có ai thay; nếu đi vệ sinh 5 phút là đã “mất” nhiều sản phẩm rồi, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất. Vì vậy, chị luôn cố nhịn vệ sinh càng lâu càng tốt. “Có ngày, tôi chỉ đi vệ sinh một lần, tranh thủ làm để chạy cho kịp sản lượng” - chị B cho hay.

Không chỉ “cai” đi vệ sinh, nữ công nhân này còn không dám đi ăn trưa. Bình thường, công nhân có 1 giờ để ăn uống, nghỉ ngơi, nhưng chị B quyết định không đi ăn, mà tranh thủ làm trong giờ nghỉ ngơi này để “chạy” sản lượng. Bữa trưa, chị chỉ dùng sữa, bánh, nước mang từ nhà đi, rồi ngay sau đó, không nghỉ ngơi, đã ngồi vào dây chuyền để làm việc.

“Biết là hại sức khoẻ, nhưng vì sản lượng nên đành phải cố. Bù lại, giờ làm buổi trưa này được công ty tính vào giờ làm thêm, nên được trả lương cao hơn” - chị B cho hay. Dù gặp nhiều áp lực, nhưng chị B bảo, dù sao vẫn còn hơn rất nhiều ở quê.

“Ở quê phải đi cấy, làm lụng vất vả giữa trời nắng mà không có thu nhập đáng kể. Trong khi ở công ty, dù bị “ép” sản lượng, phải nghe những lời nói khó nghe, nhưng lại có thu nhập để nuôi gia đình” - chị B so sánh và cho biết, nếu có tăng ca đầy đủ, thu nhập của chị rơi vào khoảng 10 triệu đồng/tháng; nếu không, thì được khoảng 7,2 triệu đồng/tháng. Đó là khoản tiền không thể kiếm được nếu làm ở quê. 

Điều chuyển liên tục

Khi đi làm, ngoài việc phải đạt sản lượng, chị Nguyễn Diệu Linh (quê Tuyên Quang) - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) còn chịu áp lực khi thường xuyên phải luân chuyển bộ phận. Chị Linh cho biết, xuống thủ đô làm công nhân được 4 tháng thì chị đã có 3 lần luân chuyển bộ phận.

“Lúc này, tôi lại bắt đầu lại từ đầu. Khi chưa thuần thục, việc đạt số lượng cũng rất khó. Do vậy, lúc nào tôi cũng căng mình để đạt sản lượng” - chị Linh chia sẻ.

Trước đây, chị Linh từng có thời gian dài làm công nhân ở quê, chị cho hay, công ty cũ rất ít khi có sự điều chuyển liên tục như vậy, do đó, công nhân làm đâu quen đó. Lý do khiến chị Linh xuống thành phố xin việc vì ở quê lương thấp.

“Quãng đường từ nhà đến công ty 10km, lương cơ bản 3,7 triệu đồng/tháng, nếu làm thêm giờ, thu nhập của tôi chỉ 5 triệu đồng/tháng” - nữ công nhân nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn