MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng gặp gỡ, giao lưu với công nhân lao động tại Đồng Nai ngày 30.4.2016. Ảnh: P.V

“Ba cánh tay nắm chặt” thúc đẩy phát triển kinh tế

Hoàng Văn Minh LDO | 22/04/2017 06:26
Hôm nay (22.4), tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, giao lưu với hơn 2.000 công nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng) cùng đông đảo các doanh nghiệp.
Đây là lần thứ hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân. Một lần nữa, cuộc gặp của Thủ tướng với công nhân mang đến tín hiệu vui cho sự đồng thuận giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động, như ba cánh tay nắm chặt để cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước phát triển, đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động.

Cam kết của Thủ tướng

Ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng, một trong ba địa phương có đông công nhân và doanh nghiệp giao lưu với Thủ tướng lần này - nhớ lại một thực tế: Cứ dịp đầu xuân là các địa phương miền Trung đắng lòng chứng kiến những đoàn thanh niên nam nữ tuổi mới lớn đổ ra QL1A, xếp hàng chờ đón những chuyến xe đầy người để xuôi về Nam tìm việc làm. Họ ra đi, để lại phía sau cha già mẹ yếu, em thơ, để lại quê hương miền Trung luôn còn trong cảnh khó khăn, cơ cực.

Nhưng đó đã là chuyện quá khứ. Bởi trong gần 20 trở lại đây, cùng với Trung ương, các tỉnh, thành khu vực miền Trung đã nỗ lực tạo ra nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư, xây dựng mới nhiều khu công nghiệp nhằm tạo công ăn việc làm cho con em địa phương, để thực hiện mục tiêu “ly nông nhưng không ly hương”.

Nhiều địa phương như Quảng Nam, từ một tỉnh thuần nông đến hôm nay đã trở thành một tỉnh công nghiệp. Miền Trung đã trở thành vùng kinh tế trọng điểm với nhiều khu công nghiệp có quy mô lớn, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thu nhập của công nhân ở miền Trung vẫn còn rất thấp (bình quân 3 triệu đồng/ tháng), đời sống thiếu thốn đủ thứ mà bức thiết nhất là vấn đề nhà ở (riêng Đà Nẵng hiện có 11.000 công nhân đang có nhu cầu về nhà ở). Và nguyên nhân, xuất phát từ sự khó khăn chung của các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực.

Thực tế thì ngay từ khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết trước toàn dân về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính và hành động. Song song với tuyên bố đó, Thủ tướng và Chính phủ đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thủ tướng đã tạo được dấu ấn với cộng đồng doanh nghiệp bằng việc đối thoại trực tiếp với doanh nhân, gặp gỡ trực tiếp công nhân lao động và hàng loạt các hành động cụ thể khác trong điều hành của Chính phủ. Tuy vậy, để đưa nền kinh tế đi lên, không chỉ với quyết tâm của Thủ tướng, mà cần có sự đồng hành mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo cấp cao, các tỉnh, thành phố. Và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và những người lao động trực tiếp.

Ba cánh tay nắm chặt…

Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - nói: “Với cam kết của Thủ tướng về một Chính phủ kiến tạo, thực hiện mạnh mẽ việc tái cơ cấu, cải cách thể chế, tạo ra hành lang pháp lý minh bạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp làm ăn. Chúng tôi cũng hy vọng rằng doanh nhân và doanh nghiệp cũng sẵn lòng đồng hành cùng Chính phủ.

Ngoài hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp phải chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người lao động, nâng cao năng suất lao động cho công nhân thông qua việc đào tạo nâng cao tay nghề, đầu tư, cải tiến công nghệ… Và CNVCLĐ cũng phải đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc nâng cao ý thức, kỷ luật lao động, luôn tự hoàn thiện mình và cố gắng nâng cao năng suất lao động”. Ông Hải khẳng định: “Sự hợp tác ba bên này (Chính phủ - doanh nghiệp - NLĐ) là bình đẳng, đồng thuận, như ba cánh tay nắm chặt để cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước phát triển”.

Năm 2016, lần đầu tiên, Thủ tướng đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại, giao lưu trực tiếp với CNVCLĐ tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dịp 30.4.2016. Năm nay, Thủ tướng tiếp tục gặp gỡ, đối thoại với công nhân để lắng nhe tâm tư nguyện vọng, những tâm huyết của những người công nhân trực tiếp lao động, những kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thể chế, vì mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp làm ăn phát đạt, kinh tế nước nhà đi lên và đời sống, thu nhập của người lao động được cải thiện.

Và các câu hỏi dự kiến được CNLĐ chuyển đến Thủ tướng lần này đều là những vấn đề nóng, thiết thực với đời sống NLĐ và nền kinh tế như: Chính sách động viên CN phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng lao động; việc làm bền vững, ổn định cho công nhân, nhất là độ tuổi từ 35 - 40 trở lên; trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đóng các loại bảo hiểm cho người lao động; giải pháp của Chính phủ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cải tiến công nghệ lạc hậu; giải pháp để chấm dứt tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm cho bữa ăn ở các KCN; chính sách lao động nữ khi Bộ luật Lao động sửa đổi; tiến độ của đề án xây dựng các thiết chế công đoàn…

Ba cánh tay đã, đang và sẽ “nắm chặt” và hy vọng rằng sẽ được “nắm chặt” hơn sau cuộc gặp này để mang đến nhiều tín hiệu mới hơn, vui hơn cho đời sống người lao động và nền kinh tế đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn