MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình cả 3 thế hệ đều là người lao động tại Cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng). Ảnh TV

Ba thế hệ trong gia đình đều là “người của Cảng Hải Phòng”

trần vương LDO | 03/12/2017 07:00
Hầu hết người lao động (NLĐ) đã từng làm việc tại cảng Hoàng Diệu gắn với bến 6 kho đều giữ một tình cảm đặc biệt với nơi đây. Vì tình cảm ấy mà rất nhiều NLĐ đã gắn bó cả đời để xây dựng, cống hiến cho sự phát triển của cảng, thậm chí nhiều gia đình có đến 2-3 thế hệ gắn bó.

Ký ức về bến cảng sầm uất, náo nhiệt

Trong căn phòng rộng chừng khoảng 30 m2 trên phố Lê Thánh Tông (TP. Hải Phòng), PV Lao Động đã có những cuộc trò chuyện cùng gia đình có cả 3 thế hệ đều là những người lao động gắn bó với các công việc tại bến cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng).

Trên chiếc ghế sofa thời trước, ông Vũ Văn Long (SN 1937, Hải Phòng) chậm rãi kể lại những chuyện về hơn 30 năm làm việc của mình tại cảng Hoàng Diệu (bến cảng Hải Phòng). Ông bắt đầu tham gia làm việc tại cảng Hải Phòng từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Dù mắt mờ, chân run nhưng những ký ức về thời kỳ lịch sử về bến cảng sầm uất bậc nhất Hải Phòng thời đó, người đàn ông ngoài 80 tuổi ấy vẫn còn nhớ đến từng chi tiết như vừa mới xảy ra.

“Cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng) gắn liền với bến 6 kho đã đi vào thơ ca, nhạc họa như một biểu tượng của sự phát triển. 6 kho trong cảng Hoàng Diệu được gìn giữ bởi những lớp thế hệ công nhân đi trước không để bị hủy hoại trong những năm tháng còn chiến tranh ác liệt. Đây cũng là nơi chứa, bảo quản chủ yếu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ trong suốt chiều dài của công cuộc xây dựng và giữ gìn đất nước sau này. Bến cảng này là nơi vận tải và tiếp nhận hàng hóa từ nhiều nước bạn trên thế giới. Nhiều mặt hàng, vật dụng, lương thực, thực phẩm cần thiết được tiếp sức cho nhân dân ta thời kỳ khó khăn”, ông Long bồi hồi nhớ lại.

Cả đời gắn bó với Cảng

Ông Nguyễn Văn Đều (SN 1955, con rể ông Long, chuyên viên tại cảng Hoàng Diệu) kể lại: Tiếp nối đời cha, cả 2 vợ chồng ông cũng đều làm việc ở cảng Hoàng Diệu. Có những giai đoạn không khí trên công trường làm việc rất rộn ràng.

Thời kỳ trước những năm 1986, trong lúc còn khó khăn, nhiều phong trào thi đua đươc phát động để động viên CBCNV. Tất cả cùng thi nhau làm việc. Có những công nhân khuân vác trên mình những tải gạo nặng 50 - 100kg, nặng hơn so với cả cân nặng của chính mình. Hàng nghìn công nhân cảng thời đó thực hiện theo lời phát động phong trào Đoàn kết - Kiên cường - Sáng tạo trong lao động. Mọi người thi nhau làm, lấy khẩu hiệu “làm hết việc chứ không phải làm hết giờ”. Cùng với đó, nhiều người cùng tham gia rà phá thủy lôi, để bến cảng ngày một được yên bình, an toàn hơn, hấp dẫn tàu, thuyền hơn.

Đến giờ nghỉ giải lao, giờ chuyển ca là mọi người lại cùng nhau mong ngóng những bản tin thời sự về những tin tức trong nước, quốc tế... qua đài phát thanh.

“Đây là tiếng nói Việt Nam - mỗi lần bản tin truyền thanh được phát lên với những tin tức nóng hổi là tất cả anh em công nhân đều vô cùng hứng khởi, chờ đợi. Nhiều khi giải lao chúng tôi còn được nghe những lời ca, tiếng hát về tình yêu quê hương đất nước, về thành phố cảng... qua hệ thống phát thanh. Đó là một thời đã qua với thật nhiều cảm xúc của những năm tháng chắc ai đã từng làm ở cảng đều sẽ không quên”, ông Đều bồi hồi nhớ lại.

Suốt 34 năm thực hiện công việc liên quan đến giữ gìn trật tự trị an, đảm bảo tình hình an ninh, an toàn tại cảng Hoàng Diệu, ông Đều cho biết ông đã từng gặp không ít “mánh khóe” tuồn hàng ra để thu lợi bất chính. Bản thân ông đã từng trực tiếp xử lý nhiều vụ việc. Nhiều trường hợp cánh lái xe cố tình làm tăng khối lượng của xe lên bằng cách cho nước, cho bêtông, thậm chí có cả người nằm trong thùng xe... rồi sau đó tráo bằng hàng hóa để không bị phát hiện…

Tiếp nối truyền thống gia đình

Chị Nguyễn Thanh Phương (SN 1988, con gái ông Đều) là thế hệ thứ 3 trong một gia đình có truyền thống đều là NLĐ tại cảng cho hay: Ngay từ nhỏ mọi sinh hoạt, các câu chuyện của gia đình đều gắn với cảng. Những điều đó như đi vào trong tiềm thức và gắn bó với mình. Từ đó tình yêu về bến cảng càng lớn hơn cũng như tiếp nối truyền thống gia đình nên chị tiếp tục lựa chọn cảng Hoàng Diệu là nơi làm việc của mình. Hiện nay chị Phương đang thực hiện công việc thống kê của đội đế.

Từ sau những năm 1990, máy móc và nhiều phương tiện thiết bị hiện đại được đưa vào hơn, do đó công nhân cũng đỡ tốn sức hơn trong việc bốc, xếp hàng hóa. Ngày nay, cơ cấu hàng hóa của cảng Hoàng Diệu cũng có nhiều sự thay đổi. Các loại mặt hàng như lương thực thực phẩm, thức ăn gia súc... ngày càng ít đi, thay vào đó là các loại sắt, thép, bách hóa tổng hợp. Tuy nhiên, thời nào công nhân, NLĐ cũng đều rất tích cực, hăng say làm việc.

Hầu hết NLĐ đã từng làm việc tại Cảng Hải Phòng đều giữ một tình cảm đặc biệt với nơi đây. Cùng với thời gian, bến cảng như chứng kiến biết bao sự đổi thay của thành phố..

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn