MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Vũ Thị Hà loay hoay với những gói thực phẩm được em gái tiếp tế tại chốt phong toả Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Bảo Hân

Bắc Giang: Công nhân phòng trọ san sẻ từng mớ rau trong nơi phong toả

Bảo Hân – Hà Anh LDO | 18/05/2021 18:58
Vừa nhận tiếp tế thực phẩm từ người em gái, chị Vũ Thị Hà - công nhân thuê trọ tại thôn Nam Ngạn (xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), nơi đang bị phong toả - vội chia cho một người bạn cùng khu trọ mà chị còn chưa kịp biết tên.

Vừa nhận rau tiếp tế, chia cho bạn cùng khu trọ

Chị Hà quê tại xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, làm công nhân Công ty TNHH Luxshare-ICT. Chị đã xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 tại công ty, nên đã phần nào an tâm về sức khoẻ của mình. Nhưng chị vẫn rất lo lắng khi dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường ngay tại nơi mình sinh sống, làm việc…

Tối 17.5, nghe thông tin khu trọ nơi mình sống sắp bị phong toả, chị Hà không khỏi lo lắng. Một mình ở phòng trọ, người dân lại không được bán hàng nữa, chị không biết lấy đâu thực phẩm để sống trong những ngày tới.

Khu nhà trọ của chị Hà. Ảnh: NVCC

Lo lắng trước viễn cảnh phải nhịn đói, chị Hà đành gọi điện “cầu cứu” người em gái đang ở quê (xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Thương chị, em gái dành cả buổi sáng sớm để đi mua thực phẩm gửi cho chị - từ quả mướp, mớ rau đến sữa chua, thịt lợn, gà - rồi đi xe máy mang đến.

Gần 11 giờ ngày 18.5, cuộc gặp gỡ tại chốt phong toả bên ngoài Khu công nghiệp Quang Châu giữa hai chị em diễn ra chớp nhoáng. Người em chỉ kịp đặt các túi nylon thực phẩm xuống đất, nói với chị đôi lời rồi nhanh chóng rời đi.

“Chỗ thực phẩm này sẽ giúp tôi “cầm cự” được khoảng 10 ngày. Nhưng tôi lo không có tủ lạnh, việc dự trữ thực phẩm không được lâu, sẽ nhanh hỏng”- chị Hà cho hay.

Thở phào khi nhận được nhiều thực phẩm tươi xanh, nhưng chị Hà cũng "méo mặt" khi không biết xoay xở như nào để mang về phòng trọ với quãng đường gần 2km. Rất may, một chiến sĩ cảnh sát cơ động tại chốt phong toả đã lấy xe máy chở chị và thực phẩm vào phòng trọ. Nếu không, không biết đến khi nào chị mới mang được đồ về phòng trọ.

Sau khi đã về phòng trọ, qua điện thoại, chị Hà kể lại với phóng viên Báo Lao Động rằng, vừa về tới gần khu trọ, khi thấy một công nhân (mà chị còn chưa biết tên) than thở không mua được thực phẩm do hàng quán đã đóng cửa, chị liền san sẻ cho công nhân này ít rau.

Mua cá khô “cầm cự”

Sống cùng khu trọ với chị Hà, anh Linh Tài Thắng làm công nhân được hơn 1 năm nay. Một tuần nay, người dân ở khu vực anh thuê trọ không còn buôn bán nữa, nên việc mua thực phẩm rất khó khăn. Người bạn sống cùng phòng với anh cũng lo lắng không kém về vấn đề thực phẩm.

Cách đây 3 ngày, anh Thắng phải nhờ một người bạn đi qua Bắc Ninh mua giúp anh 100.000 đồng cá khô để dùng dần. "Nhưng có lẽ chỉ dùng trong 1-2 ngày nữa thôi” - anh Thắng nói.

Anh Thắng không dám mua nhiều rau vì không có tủ lạnh để dự trữ, chỉ dám mua 2 quả bầu vì có thể để lâu được. Nước uống tại khu vực anh sống cũng đang “cháy”. “Hôm qua, chủ nhà trọ hỗ trợ tôi 5kg gạo cùng một thùng mì tôm nữa, nên tôi khá an tâm”- anh Thắng thở phào.

Anh Linh Tài Thắng trong phòng trọ của mình. Mớ rau được anh Thắng mua của một người dân gần khu trọ. Ảnh: NVCC

Tuy vậy, anh Thắng cũng rất lo nếu dịch kéo dài, anh chưa biết xoay xở như nào về vấn đề thực phẩm. Không chỉ vậy, việc làm, thu nhập về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn