MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo LĐLĐ huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) trao đổi cùng CN Cty TNHH MTV Dệt may QT. (Ảnh minh họa). Ảnh: Nguyễn Huyền

Bắc Giang tăng cường đối thoại tại nơi làm việc

Quế Chi - Nguyễn Thị Huyền LDO | 27/09/2018 09:55
Trong những năm qua, cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các chính sách thu hút đầu tư, số lượng DN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tăng nhanh.

Cùng với đó, quan hệ lao động trong các DN diễn biến ngày càng phức tạp. Điều đó đặt ra yêu cầu cho các cấp CĐ xác định nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, cùng với DN xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, trong đó có công tác đối thoại tại cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng.

Chính vì vậy, việc tham gia tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Bắc Giang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cấp CĐ chú trọng tham gia xây dựng và thực hiện quy chế đối thoại tại DN. Quy chế đối thoại tại nơi làm việc của các DN trên địa bàn tỉnh được xây dựng cơ bản đã bám sát nội dung của Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ và sát với tình hình thực tế tại DN như nguyên tắc, nội dung đối thoại, hình thức đối thoại, trách nhiệm của các bên tham gia đối thoại, số lượng, thành phần tham gia đối thoại, quy định NLĐ được đề xuất nội dung đối thoại, những nội dung cần đối thoại...

Từ đầu năm 2018 đến nay, có 395/474 (đạt 83,3%) CĐCS DN tham gia xây dựng quy chế đối thoại tại nơi làm việc, bầu thành viên tổ đối thoại và tham gia tổ chức đối thoại định kỳ được 236 cuộc, đối thoại đột xuất được 583 cuộc. Bên cạnh đó, CĐ các cấp đã tham mưu, phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp với cán bộ CĐCS, DN và CNLĐ. Qua các cuộc đối thoại, những kiến nghị, bức xúc của NLĐ được giải quyết kịp thời; các khó khăn, vướng mắc của DN được chia sẻ, góp phần phát huy dân chủ, giảm tranh chấp lao động tập thể, nâng cao vai trò của tổ chức CĐ trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại DN.

Theo ông Ngô Biên Cương, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, để làm tốt công tác đối thoại, cần nhiều giải pháp, trong đó, cán bộ CĐ phải thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tổng hợp ý kiến NLĐ để chuẩn bị tốt nội dung đối thoại. Cùng với đó, phải phân loại, lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nội dung dự kiến đối thoại; gửi nội dung đối thoại cho người sử dụng lao động, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên tham gia đối thoại; tìm hiểu các căn cứ pháp luật, thực tế yêu cầu, điều kiện cụ thể và lý lẽ phân tích đảm bảo tính thuyết phục khi đối thoại.

Ngoài ra, kết thúc buổi đối thoại phải có kết luận từng nội dung cụ thể và thể hiện vào biên bản đối thoại, trong đó ghi rõ những nội dung đã thống nhất, thời gian, biện pháp thực hiện, những nội dung còn có ý kiến khác nhau chưa thống nhất và thời điểm tiếp tục bàn bạc, giải quyết. Sau đối thoại, phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội dung đã cam kết…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn