MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng thăm một trường hợp bị tai nạn lao động đang nằm điều trị tại Bệnh viện. Ảnh: Nhật Hồ

Bạc Liêu: Không đợi xảy ra tai nạn lao động mới thăm hỏi, hỗ trợ

NHẬT HỒ LDO | 26/11/2020 16:18
Qua thống kê, từ 2017 - 2019, tổng số vụ tai nạn lao động trong tỉnh Bạc Liêu là 119 vụ; số vụ có từ 2 nạn nhân trở lên là 1 vụ; số vụ có nạn nhân tử vong là 118 người. Hầu hết tai nạn lao động rơi vào những trường hợp không ký hợp đồng lao động.

Tai nạn lao động ít nhưng vẫn lo

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, về tình hình chấp hành quy định nội quy, quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nơi làm việc; việc chấp hành quy định về chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động; việc thực hiện quy định về quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ… cơ bản được thực hiện đúng quy định.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) rất ít, chủ yếu là vụ TNLĐ nhẹ hoặc gián tiếp; các vụ tai nạn được thực hiện điều tra đúng quy định.

Đoàn giám sát liên ngành do Tổng LĐLĐ Việt Nam kiểm tra công tác liên quan đến an toàn lao động, môi trường lao động tại Ban quản lý các khu công nghiệp Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Đa số vụ TNLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động do người dân thiếu hiểu biết về kiến thức ATVSLĐ, không tuân thủ quy định về ATVSLĐ, bất cẩn trong quá trình lao động, sản xuất (nhất là sử dụng điện trong nuôi tôm) nên xảy ra TNLĐ rất nghiêm trọng.

Từ năm 2017 - 2019, Sở LĐTBXH tỉnh Bạc Liêu đã quyết định thực hiện 3 cuộc thanh tra về thực hiện pháp luật ATVSLĐ, bảo hiểm xã hội và bình đẳng giới tại 46 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, cơ quan thanh tra có hơn 50 kiến nghị về công tác ATVSLĐ để các cơ sở, doanh nghiệp khắc phục. Đồng thời, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 doanh nghiệp vi phạm với số tiền 24 triệu đồng.

Qua kiểm tra, chưa phát hiện có dấu hiệu vi phạm về pháp luật ATVSLĐ đối với lao động đặc thù.

Một vụ tai nạn do thông hố ga tại chợ Bạc Liêu . Ảnh: Nhật Hồ

UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, khó khăn hiện nay là lực lượng làm công tác ATVSLĐ còn ít nhưng lại kiêm nhiều việc, trong khi đó yêu cầu công việc cho công tác này ngày càng nhiều; công tác phối hợp giữa các sở, ngành trong tỉnh được thực hiện khá chặt chẽ, nhưng đôi lúc chưa thường xuyên, đồng bộ; kinh phí hoạt động còn hạn chế, nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ.

Cấm hoạt động đối với doanh nghiệp mất an toàn lao động

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), thành viên đoàn giám sát cho rằng: "Chúng ta phải trả lời được câu hỏi là an toàn hay không an toàn thì mới đưa người lao động vào làm, chứ không phải là anh cứ làm việc đi, bị tai nạn chúng tôi có chế độ bồi thường. Do đó, rất mong địa phương trên tinh thần nguyên tắc này phải được thực hiện quyết liệt trong công tác chỉ đạo về an toàn vệ sinh lao động”.

Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nêu cam kết với Đoàn công tác đồng thời đề nghị: “Trước hết, người lao động phải bảo vệ mình, bởi không an toàn thì đầu tiên là thiệt hại cho mình. Tôi yêu cầu các sở, ngành chức năng phải kiểm tra thường xuyên các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư, nếu không đảm bảo môi trường an toàn thì không cho hoạt động”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cần đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật ATVSLĐ cho người dân bởi người lao động họ chỉ biết đi làm thuê, chỗ nào làm có tiền thì họ làm nên có khi họ chủ quan. Chúng ta không đợi TNLĐ xảy ra mới khắc phục hậu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn