MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân trở lại làm việc trong KCN Đình Trám (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: H.A

Bắc Ninh, Bắc Giang: Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Trần Tuấn LDO | 25/06/2021 10:00
Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã đề xuất các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, đồng thời nhanh chóng khôi phục sản xuất của doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.

Ưu tiên vay vốn trả lương cho người lao động

Trước khi dịch bùng phát, tỉnh Bắc Ninh có 450 nghìn công nhân, lao động làm việc tại 10 KCN tập trung và 26 cụm công nghiệp.

Theo báo cáo của tỉnh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên địa bàn Bắc Ninh thời gian qua đã có 309 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, 200 nghìn lao động phải ngừng, nghỉ việc. Trong đó có hơn 16 nghìn lao động hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Đặc biệt, hiện nay, có 317 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu vay vốn 0% để trả lương ngừng việc và trả lương cho người lao động.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, thời gian qua, Bắc Ninh đã có nhiều chỉ đạo kịp thời nhằm hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch. “Tuy nhiên, việc hỗ trợ mới chỉ là những giải pháp mang tính tình thế như cung cấp lương thực, thực phẩm cho người lao động. Chưa có giải pháp hỗ trợ tài chính cho người lao động bị ảnh hưởng thu nhập bởi dịch COVID-19; chưa có hướng dẫn mới về việc trả lương ngừng việc cho người lao động”, ông Tuấn nói.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chính sách hỗ trợ tập trung vào các đối tượng là F0, F1, F2 và công nhân ở trong khu vực phong tỏa theo Chỉ thị 16; hỗ trợ người lao động phải thuê nhà trọ, lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương; người bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người lao động đang đóng BHXH bắt buộc nghỉ để cách ly y tế; hỗ trợ người lao động hưởng quyền lợi BHYT trong thời gian nghỉ việc không lương.

Đối với doanh nghiệp, tỉnh Bắc Ninh cũng đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn 0% để trả lương ngừng việc và trả lương cho người lao động; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Được biết, hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Dự kiến, gói hỗ trợ lần 2 này khoảng 27.000 tỉ đồng.

Đặt mục tiêu đưa 120.000 lao động trở lại làm việc vào cuối năm

Khi dịch cơ bản đã được kiểm soát, tỉnh Bắc Giang đã đặt mục tiêu sẽ đưa hầu hết doanh nghiệp khu công nghiệp sản xuất trở lại từ 1.7. Bắc Giang dự tính sau một tháng khôi phục công việc cho khoảng 30.000 lao động.

Theo kế hoạch với 7 giải pháp được UBND tỉnh Bắc Giang đưa ra, số lao động khôi phục việc làm tăng lên 50.000 người vào cuối tháng 8 và hơn 120.000 lao động vào cuối năm nay.

Tương ứng với lượng lớn lao động quay trở lại làm việc, giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Giang dự tính đạt khoảng 8.000 tỉ đồng vào tháng 7, tháng 8 là 10.000 tỉ đồng trước khi lên khoảng 12.000 tỉ đồng vào tháng 9-10. Từ tháng 11 trở đi, khi sản xuất gần như trở lại bình thường, giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến là hơn 15.000 tỉ đồng.

“Bắc Giang sẽ tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, hạn chế thấp nhất sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đảm bảo hài hoà giữa khôi phục sản xuất và phòng, chống COVID-19”, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn nhấn mạnh.

Để đạt mục tiêu này, 7 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh được UBND tỉnh Bắc Giang “kích hoạt”. Một trong số đó là tỉnh Bắc Giang sẽ ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, doanh nghiệp được hỗ trợ giải quyết bài toán thiếu hụt về lao động, trong đó gồm hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động đã ký hợp đồng trở lại làm việc và tuyển dụng mới.

Về khó khăn trong bố trí chỗ ở tập trung, bên cạnh chỗ ở của doanh nghiệp, tỉnh Bắc Giang sẽ giải quyết để người lao động ở thêm tại hệ thống các nhà nghỉ, khách sạn, trường học chuyển đổi công năng. Ban quản lý các khu công nghiệp khảo sát, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, ký hợp đồng với chủ nhà trọ, khách sạn... đảm bảo nguyên tắc “một nơi ở tập trung chỉ bố trí cho lao động một doanh nghiệp” từ 1.7.

Tỉnh cũng không yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải có khu cách ly tập trung khi xảy ra ca nghi nhiễm, nhiễm COVID-19. Việc tổ chức cách ly thực hiện theo phương án UBND huyện, thành phố bố trí địa điểm cách ly; doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả chi phí cách ly.

Bên cạnh đó, Bắc Giang giao Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch nhanh chóng cho các phương tiện chở hàng, người lao động lưu thông qua các chốt kiểm dịch; chỉ yêu cầu lái xe, phụ xe khai báo y tế, đo thân nhiệt... Doanh nghiệp có trách nhiệm lập hồ sơ an toàn cho các phương tiện vận chuyển và lái xe, phụ xe với trường hợp vận chuyển hàng hóa đến các tỉnh khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn