MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bác sĩ bệnh viện công bỏ sang bệnh viện tư: “Tôi không có cách nào khác!"

Bảo Hân LDO | 29/06/2022 16:18
Gắn bó với một bệnh viện lớn tại Hà Nội đã 10 năm, nhưng đầu năm nay, bác sĩ T. (sinh năm 1986) phải “dứt áo ra đi” để sang làm việc tại một bệnh viện tư nhân. “Tôi rất tiếc khi phải chuyển đi, nhưng tôi không có cách nào khác” – bác sĩ T. chia sẻ. 

Bác sĩ T. là một trong 900 nhân viên y tế, bác sĩ ở Hà Nội xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác trong hai năm qua. Theo lời kể của nam bác sĩ, thu nhập của mình không hẳn là thấp ở bệnh viện cũ, nhưng không đủ để trang trải cuộc sống nơi thủ đô đắt đỏ.

“Tôi là người đã học đến thạc sĩ, lại có nhiều nghiên cứu khoa học, nên được tăng lương trước thời hạn nhiều lần. Tuy vậy, thu nhập của tôi chỉ được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Khi chưa có dịch COVID-19, tôi có thu nhập tăng thêm khoảng 4-5 triệu đồng/tháng nữa. Như vậy, tổng thu nhập của tôi là 15 triệu đồng/tháng” – bác sĩ T. kể. 

Tuy vậy, 2 năm qua, khi có dịch COVID-19, thu nhập tăng thêm của anh “ngót” lại chỉ còn 200.000 - 500.000 đồng/tháng. Để có thêm tiền, anh phải đi làm thêm, trực đọc phim ở các đơn vị khác, cũng như làm thêm nhiều việc khác. Dù có thêm thu nhập, nhưng cái giá phải trả là ít ngủ, sức khỏe bị suy giảm, mệt mỏi không có thời gian chăm sóc cho gia đình, con cái… 

Vợ anh T. cũng là nhân viên y tế tại một bệnh viện công. Tổng thu nhập của hai vợ chồng (kể cả tiền làm thêm của anh) vào khoảng 20-25 triệu đồng/tháng. Cuộc sống nơi thủ đô rất đắt đỏ, nhiều thứ phải chi, nên thu nhập trên không đủ. Hằng tháng, vợ chồng anh phải trả lãi ngân hàng khi vay khoảng 800 triệu đồng mua nhà cách đây vài năm; cùng nhiều chi phí sinh hoạt khác.

Nhất là khi con anh T. phải đưa đi can thiệp vì bị bệnh tự kỷ, anh quyết định phải thay đổi, đến nơi có thu nhập cao hơn. “Vợ chồng tôi tự nhủ rằng không thể cả 2 làm ở bệnh viện công được nữa, một người phải thay đổi, và người đó chính là tôi vì tôi có điều kiện kiếm công việc khác thuận lợi hơn”- anh T. nói với phóng viên. 

Anh T. chia sẻ, anh không có điều gì phàn nàn về môi trường làm việc của bệnh viện cũ, mà lý do chuyển nơi khác đơn thuần là vì vấn đề đồng lương. “Làm ở nơi mới, tôi có thu nhập cao hơn, đảm bảo cuộc sống, nên có thời gian tập trung vào chuyên môn cũng như nghỉ ngơi, có thời gian chăm sóc gia đình, không phải đi làm thêm nhiều việc như trước” - anh T. nói. 

Trao đổi với phóng viên, giám đốc bệnh viện nơi anh T. làm việc trước đây cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện có 4 trường hợp (2 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 nhân viên phòng công nghệ thông tin) nghỉ việc, chuyển công tác. “2 bác sĩ (trong đó có bác sĩ T.) chuyển đi là do thu nhập thấp; nhân viên điều dưỡng cho biết lý do là công việc vất vả, thu nhập thấp”- giám đốc bệnh viện nói.

Trạm trưởng trạm y tế một xã trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, hiện đơn vị có 9 nhân viên y tế; bình quân thu nhập của nhân viên y tế của trạm là 5 triệu đồng/tháng. “Mức này không bằng thu nhập của công nhân, không đảm bảo cuộc sống của họ. Số tiền đó trang trải cho bản thân còn không đủ, chưa nói gì đến nuôi cả gia đình” - vị này nói đồng thời cho rằng, không thể xoay xở có giải pháp để tăng thu nhập cho nhân viên, vì nếu cho xã hội hoá thì sẽ tốt, nhưng cơ chế xã hội hoá rất khó, không đơn giản.   

“Đến thời điểm này, chưa có nhân viên nào nghỉ việc, nhưng chắc cũng có người muốn bỏ, vì mức đãi ngộ so với khối lượng công việc phải đảm nhận, công sức bỏ ra là không tương xứng” - vị trạm trưởng nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn