MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Hữu Quyết nấu mì tôm ăn bữa trưa. Ảnh: Đỗ Phương

“Bám” thành phố chờ việc làm

Đỗ Phương LDO | 12/10/2021 11:00
Theo thống kê của Bộ Công an, kể từ khi các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách từ 1.10, có khoảng 2,1 triệu trong tổng số 3,5 triệu lao động nhập cư tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An muốn về quê. Nhiều người lao động chọn cách trở về địa phương vì không thể trụ lại ở thành phố. Song vẫn có người ở lại chờ cơ hội tìm việc làm mới.

Tiếp tục chờ đợi

Dãy trọ có 18 phòng cho công nhân, lao động tự do thuê ở gần Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát, Bình Dương thì nay chỉ còn 3-4 phòng có người ở. “Họ bỏ về quê hết rồi, tôi ở lại chờ thời cơ quay trở lại với công việc” - anh Nguyễn Hữu Quyết, 28 tuổi (quê ở Thanh Hoá) cho biết.

Vào Bình Dương lập nghiệp từ đầu tháng 3.2021, anh Quyết mua lại chiếc lò cũ để quay vịt ở gần nơi ở. Được 2 tháng, anh Quyết đành phải cất đồ nghề vào một góc vì dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Vốn nghĩ căng lắm cũng chỉ 2 tháng thành phố sẽ mở cửa trở lại, nhưng đến nay, anh vẫn chưa thể quay trở lại với công việc.

Nhìn xóm trọ vắng ngắt, anh Quyết biết mình là số ít không hoà vào dòng người đổ về quê. Không thể về nhà mà không có đồng nào trong tay, xa quê hương làm ăn, anh Quyết hy vọng ở vùng đất mới sẽ cho anh thêm nhiều cơ hội. “Năm nay coi như nháp. Năm sau xé nháp, làm lại” - anh Quyết nói.

Chưa lập gia đình, anh chờ đến khi nào thành phố nới lỏng hơn để tiếp tục gắn bó với công việc cũ. Nếu buôn bán thuận lợi, anh Quyết sẽ ở lại thành phố, còn không, anh cũng như nhiều lao động tự do khác phải bỏ về quê tránh dịch, tìm chỗ nương thân. “Nhưng bây giờ chỉ biết chờ đợi” - anh thở dài.

Sở dĩ anh Quyết có thể chờ đợi thêm vì tiền thuê trọ, ăn uống hàng ngày được người thân ở gần hỗ trợ. “Buôn bán ngừng trệ, cũng chẳng có nhiều tích cóp, nếu không có sự giúp đỡ của người nhà, làm sao tôi có thể trụ lại đây?” - anh Quyết cho hay.

Sợ về rồi, khó trở lại

Đây là nỗi lo của chị Nông Thị Thu, 24 tuổi, quê ở Đắk Lắk. Trong căn phòng trọ chật trội ở quận 9 (TPHCM), 4 tháng nay, chị Thu và chồng đều thất nghiệp. Trước đây chồng chị làm phụ hồ, tiền công được 9 triệu đồng mỗi tháng, lao động tay chân vất vả nhưng bù lại gia đình có tiền trang trải.

Chị Thu làm công nhân, thu nhập ở mức gần 8 triệu đồng/tháng. Dịch khiến công ty giải thể nên chị không có việc làm trong thời gian này, chị không dám về quê vì sợ sau này khó quay lại TPHCM xin việc. Chưa kể, về quê lỡ mắc COVID-19 rồi lây cho người khác, chị sợ bà con láng giềng quở trách.

Lo lắng của chị là có căn cứ vì sau khi TPHCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách, từ ngày 2.10 đến sáng 4.10, tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận gần 7.000 công dân trở về từ các tỉnh phía Nam. Qua triển khai xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho công dân trở về từ TPHCM, Đắk Lắk đã ghi nhận 14 trường hợp mắc COVID-19. Một lý do nữa khiến chị Thu và chồng quyết định ở lại vì về quê cũng không có việc làm ra tiền. Có chăng chỉ làm thuê ở rẫy, công sức bỏ ra nhiều nhưng tiền công thấp. “Nắng mới có việc, mưa chẳng có đồng nào” - chị Thu nói về đặc thù công việc.

Kể về thời gian khó khăn trước đó, chị Thu cho hay, trong xóm trọ có đến 9 người mắc COVID-19, lo lắng bị lây dịch, chị và chồng đã cố thủ trong phòng trọ nhiều ngày. “Thời điểm đó, có gì vợ chồng tôi ăn nấy, không có lựa chọn. Mì tôm, bún khô, cá khô, gạo, trứng,… cứ vậy xoay vòng” - chị Thu nói. Chị Thu bàn với chồng, sắp tới các hoạt động nới lỏng hơn, cả 2 vợ chồng sẽ xin vào công ty làm việc để có thu nhập ổn định. 

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, quý 4 năm nay, thành phố cần khoảng 43.000-56.000 lao động. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh này thiếu hụt 40.000-50.000 lao động.

Báo cáo của Navigos Group - đơn vị sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks và công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, cho biết, khoảng 60% doanh nghiệp trong số 400 doanh nghiệp tham gia khảo sát có kế hoạch tuyển dụng ngay lập tức khi quay trở lại hoạt động bình thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn