MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lưu Huê Phong - Ban Dân vận Quận uỷ Quận Bình Tân - cho rằng cần chủ động nắm bắt, giải quyết những vướng mắc của người lao động để tránh tranh chấp lao động xảy ra. Ảnh: NAM DƯƠNG

Bàn biện pháp giảm tranh chấp lao động dịp cuối năm

NAM DƯƠNG LDO | 06/11/2019 14:07

Chiều 4.11, LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi về tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Ban Dân vận 24 quận, huyện ủy, cấp ủy các KCX-KCN và Ban Dân vận Thành ủy TP.Hồ Chí Minh.

Ông Kiều Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh - cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, địa bàn thành phố xảy ra 12 vụ ngừng việc tập thể với sự tham gia của trên 3.340 công nhân (CN), trong đó 10 vụ vi phạm về quyền và 2 vụ tranh chấp về lợi ích; 5 vụ xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 7 vụ tại các doanh nghiệp ở khu vực ngoài nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động như trả lương không đúng thời hạn, không đóng BHXH, nợ BHXH, không điều chỉnh lương tối thiểu vùng, không triển khai lương, thưởng Tết.

Dự báo về việc tranh chấp lao động trong thời gian tới, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ông Vũ cho rằng, ngoài việc nợ lương, BHXH thì việc chưa có nghị định hướng dẫn điều chỉnh lương tối thiểu để doanh nghiệp thực hiện, tình trạng cắt giảm đơn hàng, trả lại nhà xưởng máy móc, dẫn đến cắt giảm lao động cũng sẽ là các nguyên nhân có khả năng dẫn đến tranh chấp lao động trong thời gian tới.

Để hạn chế tình trạng tranh chấp lao động tập thể trong dịp tết, theo ông Vũ, LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh đã yêu cầu các Công đoàn (CĐ) cấp trên trực tiếp cơ sở thông qua các tổ CN tự quản, tổ dư luận xã hội kịp thời nắm bắt tình hình ở các doanh nghiệp, đơn vị có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động, đồng thời tăng cường thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Một số ý kiến tại hội nghị khẳng định, để hạn chế tranh chấp lao động các cấp, ban, ngành, đoàn thể của địa phương phải chủ động năm bắt, kịp thời giải quyết các bức xúc, tâm tư của người lao động.

Ông Lưu Huê Phong - Ban Dân vận Quận uỷ Quận Bình Tân - chia sẻ kinh nghiệm: Vào quý IV hằng năm, tổ giải quyết tranh chấp lao động của quận do một phó chủ tịch UBND quận làm tổ trưởng với thành phần gồm nhiều đại diện các phòng, ban sẽ chia nhau nắm tình hình các doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra tranh chấp để xử lý kịp thời.

Tương tự, ông Võ Khắc Bình - Phó Trưởng ban Dân vận Quận ủy quận 7 - cũng cho biết, ngay khi có dư luận, thậm chí ý kiến của CN về việc vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, tổ công tác của quận sẽ kịp thời đến doanh nghiệp tìm hiểu vụ việc, giải quyết ngay. Ngoài ra, quận đã chỉ đạo Hội Luật gia quận thành lập nhiều điểm tư vấn pháp luật cho CNLĐ, một tuần làm việc 3 ngày vào giờ CN ra ca buổi chiều hoặc qua điện thoại kịp thời tư vấn, giải đáp cho CN, tránh trường hợp hành xử không đúng pháp luật. Chính việc làm đó đã góp phần kéo giảm các tranh chấp lao động xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn