MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những nữ công nhân mua đồ tại phiên chợ “Gian hàng dành cho công nhân lao động” do Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang tổ chức năm 2021. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân

Băn khoăn dịp Tết của nữ công nhân

Quế Chi LDO | 28/01/2022 12:00

Sau một năm làm việc vất vả, lựa chọn của nhiều nữ công nhân tha hương vẫn là về quê với gia đình dịp Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến những dự định của họ trong dịp Tết này. 

"Chưa biết về quê hay ở lại" 

Cuối năm, chị Bế Thị Thảo - công nhân khu công nghiệp Quang Châu (tỉnh Bắc Giang) - vẫn đang bận rộn làm việc để mong có thêm tiền trang trải cho dịp Tết.  

Chị Thảo đã gắn bó với công ty được 4-5 năm nay. Chị Thảo đã lập gia đình, nhưng chồng và con ở Lạng Sơn, còn chị một thân một mình xa quê đi mưu sinh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chị luôn mong ngóng tiền lương, tiền thưởng Tết để có một cái Tết ấm áp cho gia đình mình. 

Những năm trước, thời gian trước Tết hơn 2 tuần là chị Thảo đã sắp đặt sẵn các dự định như khi nào về quê, mua bánh kẹo, hoa quả gì, mua cho con đồ gì… Nhưng năm nay, khác với mọi năm, đến thời điểm gần sát Tết, chị vẫn chưa xác định mình có về quê ăn Tết hay không. 

Lý do là bởi chị nghe thông tin, nếu những người như chị về quê dịp Tết này sẽ phải cách ly. Nghĩ đến cảnh về quê nghỉ Tết được vài ngày mà phải cách ly, chị đã thấy ngại ngần. 

“Có thể, tôi sẽ ở lại đón Tết ở Bắc Giang. Bởi, nếu trở về quê mà phải cách ly thì chắc chắn sẽ không còn thời gian để đi chơi Tết” - chị Thảo chia sẻ dự định. 

Không mong muốn điều đó xảy ra, nhưng chị Thảo đã chuẩn bị sẵn khả năng đó. Chị sẽ chờ đợi đến gần Tết, cập nhật thông tin về quy định của tỉnh để đưa ra quyết định về quê hay không.

“Hàng ngày, tôi đều lên mạng tìm kiếm những thông tin mới nhất về quy định của tỉnh đối với những người trở về quê đón Tết. Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ để tôi được đón Tết cùng những người thân của mình” - chị Thảo nói.  

Trong trường hợp không về quê, thì đây là lần đầu tiên từ khi đi làm, chị không đón Tết cùng với những người thân trong gia đình. Nghĩ đến cảnh đó, chị Thảo đã thấy buồn.

Nhưng, chị bảo, cũng may, chị vừa mới trở về với gia đình dịp Tết Dương lịch vừa rồi, chứ không thì phải xa nhà đằng đẵng mà cuối năm vẫn không về nhà. 

Chỉ ở nhà trong dịp Tết 

Khác với chị Thảo, chị Nguyễn Thị Khuyên - công nhân Công ty Si Flex (tỉnh Bắc Giang) - có quê ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

“Tuy làm ở trong tỉnh, nhưng nhà tôi cách công ty 75km. Hàng ngày, tôi đi xe ôtô đưa đón của công ty, cả đi về mất 2 giờ” - chị Khuyên kể. 

Chị Khuyên phải vất vả đi xa như vậy là bởi ở huyện Lục Ngạn quê chị chưa có những công ty lớn, tuyển dụng nhiều như ở huyện Việt Yên - nơi công ty chị đang đứng chân. Hơn nữa, đi làm dù xa, nhưng nếu chăm chỉ, tăng ca đều, thu nhập của chị được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nếu làm ở quê, chị khó có thể có mức thu nhập này. Chồng chị làm vườn, thu nhập không ổn định, nên áp lực mưu sinh lên vai chị càng lớn hơn. 

“Tôi được nghỉ từ Tết Âm lịch từ 28 Tết đến mồng 5 Tết. Tôi không định đi đâu, không đi chúc Tết họ hàng mà chỉ ở nhà thôi”- chị Khuyên chia sẻ. 

Chỉ còn vài ngày nữa là Tết, nhưng chị Khuyên bảo, chị vẫn chưa sắm sửa gì cho Tết. Nhà chị không có thói quen mua đào, quất bởi không phải là không thích mà là do chưa có điều kiện.

Thay vào đó, chị chỉ mua ít bánh kẹo, thực phẩm và mua cho con một vài bộ quần áo mới để mặc vào dịp Tết. Kinh tế eo hẹp, nên chị Khuyên luôn hạn chế đến mức thấp nhất việc mua sắm những thứ không thiết yếu, ngay cả trong dịp Tết. 

Một năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp không những ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, mà còn tác động rất lớn đến cách chuẩn bị đón Tết của nhiều công nhân.

Chia sẻ với phóng viên, chị Thảo, chị Khuyên và nhiều nữ công nhân khác đều mong mỏi, sang năm dịch bệnh được khống chế hoàn toàn để cuộc sống sinh hoạt trở lại bình thường như trước kia, được về quê, được gặp gỡ mọi người mà không phải băn khoăn, lo lắng ở trong lòng… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn