MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện LĐLĐ tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Nam Dương

Băn khoăn tính khả thi dự thảo nghị định thực hiện dân chủ ở cơ sở

Nam Dương LDO | 23/05/2023 15:56
Nhiều ý kiến của cán bộ Công đoàn băn khoăn về tính khả thi của dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và đề nghị cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn để có thể thực hiện trong thực tế.

Hội thảo góp ý kiến vào dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 23.5.

Theo ông Vũ Hồng Quang - Phó Ban Chính sách-Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc thực hiện đúng, tốt dân chủ ở cơ sở sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền lợi của người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định tiến bộ tại doanh nghiệp. Do đó, việc đóng góp ý kiến sát thực, thẳng thắn, hiệu quả cho dự thảo sẽ giúp cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở sau khi nghị định được ban hành sẽ thuận lợi, dễ dàng. “Với những quy định trong dự thảo thì sẽ khó cho cơ sở thực hiện trong thực tế” - ông Quang nhận xét.

Ông Kiều Minh Sinh - Trưởng Ban Chính sách-pháp luật, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai nhận xét, quy định như dự thảo rất khó cho hoạt động ở cơ sở. Cần quy định trách nhiệm của CĐCS phối hợp với người đứng đầu cơ sở chỉ đạo thành lập, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và cần quy định cụ thể số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân tối thiểu là bao nhiêu, tối đa bao nhiêu, đồng thời kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Ông Kiều Minh Sinh cho rằng, quy định như dự thảo nghị định sẽ khó cho cơ sở thực hiện trong thực tế. Ảnh: Nam Dương

Ông Nguyễn Văn Nho, Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Tây Ninh -  cũng cho rằng, quy định như dự thảo thì ngắn gọn, nhưng khó thực hiện trong thực tế.

Ông Nho đề nghị nên quy định cụ thể kinh phí chi cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong nghị định này hoặc quy định ở thông tư hướng dẫn. Lý do từ trước đến hiện nay, phần lớn các đơn vị không chi kinh phí cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, nên hoạt động này kém hiệu quả, do đây là công việc kiêm nhiệm làm cũng được, không làm cũng được. “Nên thực hiện khoán kinh phí cho từng thành viên của Ban Thanh tra nhân dân theo năm”  ông Nho kiến nghị.

Ông Nho cũng đề nghị cần quy định thêm và cụ thể trách nhiệm của Công đoàn đối với hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong việc giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Do trong thời gian gần đây xảy ra tiêu cực tham nhũng ở các cơ quan Nhà nước, đã được xử lý, phần lớn các nội dung tiêu cực tham nhũng hàng năm đã được Ban Thanh tra nhân dân giám sát rồi nhưng không phát hiện, chấn chỉnh kịp thời để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP Hồ Chí Minh - cho rằng, cần ghi rõ quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân. “Thực tế, Thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước vai trò còn hạn chế, “giám sát mà không dám nói” vì mối quan hệ giữa Thanh tra nhân dân và thủ trưởng đơn vị.  Dự thảo quy định nhiệm vụ, trách nhiệm thì nhiều, mà quyền thì không cụ thể, nên cần quy định rõ hơn nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền của thanh tra nhân dân”.

Nhiều ý kiến tại hội nghị đều có chung nhận xét, nhiều quy định về Thanh tra nhân dân trong các nghị định hiện hành rất cụ thể, rõ ràng và dễ thực hiện, nên cần tiếp thu những quy định này vào trong dự thảo, bởi dự thảo tuy ngắn ngọn nhưng không cụ thể sẽ khó thực hiện trong thực tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn