MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cán bộ công đoàn tham gia Hội thảo góp ý cho Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Nam Dương

Băn khoăn về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp

Nam Dương LDO | 24/08/2022 17:00
Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đều băn khoăn về quy định hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, nhất là ở trong doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Hơn 50 cán bộ công đoàn ở các tỉnh, thành phía Nam và CĐ Caosu Việt Nam đã tham gia Hội thảo góp ý kiến dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức ngày 24.8, tại TPHCM.

Theo ông Vũ Hồng Quang, Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đảng, Nhà nước rất coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực tế cho thấy nếu thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở sẽ phát huy quyền làm chủ của NLĐ, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Nhiều ý kiến góp ý tại hội thảo đều băn khoăn về quy định hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, nhất là ở trong doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Thắng - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Bình Phước – cho rằng cần có giải thích thế nào là Ban Thanh tra nhân dân vì dự thảo luật hiện chưa có quy định này. Đồng thời, việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân giao cho tổ chức công đoàn thì chưa phù hợp với quy định tại Luật Công đoàn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nho – Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ tỉnh Tây Ninh – góp ý, theo quy định tại dự thảo thì “Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động do BCH CĐCS trực tiếp chỉ đạo hoạt động; ở nơi chưa có tổ chức công đoàn thì hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do LĐLĐ cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động”.

Ông Nguyễn Văn Nho – Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ tỉnh Tây Ninh – góp ý cho dự thảo luật. Ảnh: Nam Dương

Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp nằm trong KCX, KCN, hoạt động công đoàn lại do công đoàn KCN chỉ đạo trực tiếp, do đó nên quy định “ở nơi chưa có tổ chức CĐ thì hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động” cho phù hợp với hoạt động của hệ thống công đoàn.

Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Phương Kiều - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật - Quan hệ lao động – LĐLĐ TP. Cần Thơ cũng cho rằng việc yêu cầu LĐLĐ huyện chỉ đạo hoạt động Ban Thanh tra nhân dân ở nơi chưa có CĐCS như dự thảo là không khả thi trong thực tế. “LĐLĐ đến doanh nghiệp ngoài Nhà nước để thành lập CĐCS còn gặp nhiều khó khăn, nay lại giao thêm nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động Ban Thanh tra nhân dân ở nơi chưa có CĐCS thì thực sự là không khả thi”, bà Kiều nói.

Ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật - Quan hệ lao động Công đoàn Caosu Việt Nam – cũng cho rằng thực tế nhiều doanh nghiệp không có Ban Thanh tra nhân dân nhưng hoạt động vẫn hiệu quả, không xảy ra thất thoát tài sản. “Hoạt động quan trọng nhất của Ban Thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp là giám sát việc thực hiện các nghị quyết hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng NLĐ chỉ là người làm thuê thì không thể yêu cầu chủ doanh nghiệp phải cung cấp tài liệu, hoặc giám sát hoạt động của ông chủ mình được, vì có nguy cơ bị cho nghỉ việc”, ông Khánh nói.

Ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật - Quan hệ lao động Công đoàn Caosu Việt Nam cho rằng NLĐ khó có thể giám sát hoạt động của chủ sử dụng lao động, nhất là trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Ảnh: Nam Dương

Theo ông Lê Văn Đại – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Đà Nẵng – cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm cung cấp thông tin của người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp, nếu không cung cấp thì phải chịu chế tài gì. Cùng với đó, cần có quy định về việc cấm trù dập người thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở.

Ông Đại cũng thẳng thắn cho rằng hiện nhiều Ban Thanh tra nhân dân hoạt động hình thức, không hiệu quả. Do đó cần có quy định rõ ràng trong luật về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, nhất là ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhằm phát huy hiệu quả của ban này trong thực tế.

“Nhiều nơi, CĐCS hoạt động còn chưa hiệu quả, nay lại được giao thêm trách nhiệm chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân thì làm sao ban này thực hiện tốt được nếu không có quy định rõ ràng về hoạt động của ban này. Thêm nữa, nếu doanh nghiệp có cả CĐCS và có thêm tổ chức đại diện NLĐ khác thì cơ quan nào sẽ chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, do đó cần phải quy định về trường hợp này”, ông Đại góp ý.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở ở tổ chức có sử dụng lao động phải là bắt buộc chứ không phải là khuyến khích như dự thảo, vì khuyến khích thì có thể làm hoặc không, gây ảnh hưởng đến quyền dân chủ của NLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn