MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Tổng Giám đốc Vietcombank - ông Phạm Mạnh Thắng. Ảnh: V.C

Bán nợ hiệu quả phải có phương pháp định giá thống nhất

LAM DUY LDO | 04/07/2019 10:17
Ôm cùng lúc một loạt “mảng miếng” quan trọng của một ngân hàng thương mại gồm công nợ, ngân quỹ và xây dựng cơ bản trong một giai đoạn mà nền kinh tế Việt Nam đang chứng kiến đà hồi phục, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đặc biệt ghi nhiều dấu ấn rõ nét với liên tiếp các sáng kiến, sáng tạo trong công tác thu hồi, xử lý nợ.

Đưa nợ xấu về dưới 1%

Phải nhấn mạnh đến mảng công việc quan trọng trên là bởi trong giai đoạn 2014 - 2018, hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam có sự chuyển động mạnh mẽ theo sau đề án tái cơ cấu hệ thống gắn với xử lý nợ xấu. “Công tác xử lý, thu hồi nợ vì thế là một trong những công tác trọng điểm được toàn bộ tập thể ban lãnh đạo Vietcombank hết sức quan tâm trong suốt những năm vừa qua” - ông Thắng chia sẻ.

Với vai trò là lãnh đạo phụ trách công tác xử lý thu hồi nợ của hệ thống Vietcombank, ông Phạm Mạnh Thắng (sinh năm 1962) trực tiếp cùng các phòng/ban tại trụ sở chính như công nợ, pháp chế, phê duyệt tín dụng làm việc với các chi nhánh trong hệ thống có nợ xấu, nợ có vấn đề lớn để chỉ đạo công tác thu hồi nợ cũng như yêu cầu các chi nhánh về biện pháp, giải pháp thực hiện. Con số nợ xấu giảm mạnh qua các năm 2014 - 2018 tại Vietcombank cho thấy hiệu quả rõ rệt mà các biện pháp, giải pháp xử lý nợ tại ngân hàng mang lại.

Đáng chú ý, cùng với việc kiểm soát và đưa tỉ lệ nợ xấu toàn ngân hàng qua các năm giảm dần từ con số 2,3% năm 2014 xuống còn 0,97% vào cuối năm 2018, số nợ xử lý rủi ro thu hồi qua các năm tại Vietcombank cũng luôn tăng tích cực. Và đó là nguồn đóng góp lớn vào thu nhập của ngân hàng, đạt con số kỉ lục 3.200 tỉ đồng trong năm 2018.

Một điểm mốc khác phải nói đến là trong lúc nhiều ngân hàng vẫn đang tìm cách bán lại nợ xấu cho Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nhằm kéo giảm tỉ lệ nợ xấu về theo đúng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, ngay trong năm 2016, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên thực hiện thanh toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC để nhận lại các khoản nợ đã bán trong các năm trước. Theo đó, Vietcombank đưa toàn bộ nợ xấu của ngân hàng về một số và vẫn đảm bảo tỉ lệ nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đi tìm “cẩm nang” xử lý nợ

Cũng chính các áp lực từ công tác xử lý, thu hồi nợ thường được đánh giá là phần công việc rất “khó nhằn” đặt ra yêu cầu cần có những cải tiến, sáng tạo trọng quy trình, phương pháp làm việc. Cụ thể trong hoạt động bán nợ, việc định giá khoản nợ có ý nghĩa quyết định khi thực hiện đàm phán với đối tác có nhu cầu mua nợ để đảm bảo được quyền lợi của ngân hàng. Song theo ông Phạm Mạnh Thắng, mặc dù quy định của pháp luật và Vietcombank có hướng dẫn, tuy nhiên các đơn vị vẫn còn gặp nhiều vướng mắc trong việc định giá bán khoản nợ như nhầm lẫn giữa bán nợ và bán tài sản bảo đảm, nhầm lẫn giữa việc định giá khoản nợ và định giá tài sản bảo đảm, cũng như chưa đánh giá đầy đủ tình hình tài chính của doanh nghiệp dẫn tới việc định giá khoản nợ chưa chính xác. “Những vướng mắc nêu trên đã có ảnh hưởng tới quá trình đàm phán của chi nhánh với các đối tác có nhu cầu” - ông Phạm Mạnh Thắng nhận định.

Trước yêu cầu này, nối tiếp chuỗi sáng kiến được công nhận liên tiếp trong các năm từ 2013 - 2017, trong năm 2018, ông Phạm Mạnh Thắng đưa ra phương pháp xác định giá bán khoản nợ có vấn đề nhằm đưa ra một phương pháp cụ thể, thống nhất trong hệ thống Vietcombank nói riêng và ngân hàng nói chung để xác định giá bán khoản nợ. Từ đó, phương pháp có thể phát triển thành một cẩm nang ứng dụng nhằm tạo thể chủ động trong việc đàm phán với các đối tác có nhu cầu.

Có rất nhiều tính mới trong phương pháp này được ghi nhận như về số tiền thu được khi xử lý tài sản bảo đảm sau khi trừ đi các chi phí xử lý; việc đơn đốc thu nợ doanh nghiệp ngoài xử lý tài sản bảo đảm như thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hồi công nợ, bán hàng tồn kho; thu tiền từ xử lý tài sản bảo đảm thông qua cơ quan thi hành án hay yêu cầu mở thủ tục phá sản. Qua đó, ngân hàng tính toán được số tiền thu hồi từ tài sản không bảo đảm cho các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp trên cơ sở tỉ lệ giữa các chủ nợ không có tài sản bảo đảm.

“Phương pháp này thống nhất được cách tính giá bán nợ tại các chi nhánh của Vietcombank, tạo thế chủ động trong việc đàm phán với các đối tác có nhu cầu” - ông Phạm Mạnh Thắng đánh giá.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn