MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Lê Thị Bạch Liên (thứ 3 từ trái sang) - Phó Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam cùng các lao động nữ của Quỹ Tấm lòng Vàng Stanley - Quỹ do Ban Nữ công phối hợp với BCH CĐ thành lập nhằm hỗ trợ lao động nữ khó khăn. Ảnh: NVCC

Ban Nữ công quần chúng Công đoàn cơ sở: Thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư của lao động nữ

Linh Nguyên LDO | 19/10/2022 06:00
Tại CĐCS, Ban Nữ công quần chúng có vai trò tham mưu, đề xuất, chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và đẩy mạnh phong trào thi đua trong nữ đoàn viên, NLĐ. Làm thế nào để vai trò này được phát huy hiệu quả là vấn đề đang được quan tâm.

Khắc phục khó khăn của hoạt động kiêm nhiệm

Trao đổi về phát huy vai trò của Ban nữ công quần chúng CĐCS trong tham mưu, đề xuất, chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và đẩy mạnh phong trào thi đua trong nữ đoàn viên, NLĐ, chị Lê Thị Bạch Liên - Phó Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (Hà Nội) cho biết hiện công ty có 1.217/2.300 CBCNV là nữ. Để hoạt động hiệu quả, thực sự chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên CĐ và NLĐ, Ban Nữ công đã tham mưu với Ban Chấp hành CĐ công ty những việc làm cụ thể, thiết thực. 

Trong đó tham mưu đảm bảo việc làm, tiền lương cho lao động nữ; thương lượng, đề xuất thành công đưa vào TƯLĐTT hiện hành của công ty các quy định có lợi hơn quy định của pháp luật cho lao động nữ như hỗ trợ lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 và nuôi con dưới 12 tháng mỗi ngày làm việc được nghỉ 01 giờ tính vào giờ làm việc, trợ cấp sinh con cho CBCNV nữ thêm ngoài chế độ BHXH.

Đặc biệt năm 2018, với sự tham mưu của Ban nữ công,  phòng vắt sữa cho lao động nữ nuôi con nhỏ đã được xây dựng với kinh phí cơ sở vật chất hơn 450 triệu đồng; hằng năm gần 2.000 lượt sử dụng; ngoài ra còn đề xuất xây dựng phòng nghỉ cho lao động nữ, trang bị thêm các thiết bị tiện nghi cho khu vệ sinh của lao động nữ trị giá 500 triệu đồng… Ngoài ra, các tiêu chí phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được cụ thể hoá sát với tình hình công ty.

Tuy nhiên, cũng từ thực tế, chị Bạch Liên chia sẻ, 100% cán bộ nữ công CĐ công ty đều làm công tác kiêm nhiệm, kinh nghiệm tổ chức hoạt động và thời gian cho các hoạt động nữ công còn hạn chế nên chưa phát huy hết sự sáng tạo của cán bộ Nữ công. Đa số nữ đoàn viên CĐ đang trong độ tuổi có con nhỏ, nhiều chị phải đi làm ca nên gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các hoạt động  chung mang tính chất quần chúng. Việc thực hiện kế hoạch sản xuất rất chặt chẽ nên hầu hết các hoạt động nữ công đều phải tổ chức ngoài giờ làm việc nên cũng hạn chế số lượng đoàn viên tham gia. 

Có thể thấy đây cũng là khó khăn chung của Ban Nữ công quần chúng tại các CĐCS. Nhưng do thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư của lao động nữ nên các nữ cán bộ CĐ và Ban nữ công quần chúng đã tham mưu được những việc làm cụ thể, thiết thực.

Đổi mới phương thức hoạt động Ban Nữ công quần chúng

Hiện LĐLĐ TP.Hà Nội quản lý 45 CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở; 9.698 CĐCS, với tổng số 365.165 nữ đoàn viên/652.808 đoàn viên. Nữ cán bộ CĐ, cán bộ nữ công Ban Nữ công các cấp đã tham mưu cho Ban Chấp hành CĐ trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên và lao động nữ.

Trong đó CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng kế hoạch chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức kiểm tra, khảo sát việc thực hiện chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ tại 4.063 doanh nghiệp có sử dụng đông lao động nữ; 15.651 lượt CĐCS đã tự tiến hành kiểm tra, khảo sát việc thực hiện các chế độ chính sách có liên quan đến lao động nữ.

Qua phối hợp khảo sát, Ban Nữ công quần chúng trong các doanh nghiệp đã tham mưu BCH CĐ kiến nghị khi người sử dụng lao động chưa thực hiện đảm bảo quy định của pháp luật, cũng như đề xuất các chính sách có lợi hơn quy định của pháp luật cho lao động nữ như với lao động nữ trong thời gian mang thai được khám thai hưởng nguyên lương, không trừ tiền chuyên cần, được phát thẻ ưu tiên cho lao động nữ khi mang thai không cần xếp hàng khi ăn cơm, nghỉ sớm trước 10 phút, được xếp vị trí làm có ghế, thêm khẩu phần ăn cho phụ nữ mang thai, thêm một bữa ăn dinh dưỡng cao hằng tháng, nghỉ thêm một ngày/tháng hưởng nguyên lương…

Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh COVID-19, Ban nữ công quần chúng đã phát huy được vai trò của mình trong chăm lo cho nữ CNLĐ, tham mưu đề xuất nữ CNLĐ nghỉ chờ việc được hưởng 70% lương. Để bảo vệ các nữ công nhân mang thai và đang cho con bú, Ban nữ công tham mưu với BCH phối hợp lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức nhiều chuyến xe đưa/đón các lao động nữ mang thai, cho con bú đi tiêm tại bệnh viện, tại các cơ sở y tế đủ điều kiện…

Nhằm đổi mới phương thức hoạt động Ban Nữ công quần chúng,  phát huy vai trò, chức năng của tổ chức CĐ trong việc thu hút và đáp ứng nhu cầu của đông đảo nữ CNVCLĐ, các Câu lạc bộ Nữ công CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở được thành lập. 35 Câu lạc bộ nữ công Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với 7.197 hội viên ra đời, hoạt động hiệu quả đã là nơi để các thành viên được gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong công tác, trong cuộc sống. Hằng năm, các Câu lạc bộ Nữ công CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đều duy trì mỗi năm từ 2 đến 4 kỳ sinh hoạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn