MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động nữ của một doanh nghiệp may. Ảnh: L.Nguyên

Ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước: Cần được tiếp tục đầu tư và đào tạo

Linh Nguyên LDO | 11/07/2022 08:04

Tỉ lệ thành lập và chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã có sự đổi mới cả về số lượng, nội dung và hình thức... Đây là một trong những nội dung Tờ trình Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 12b/NQ-BCH ngày 12.7.2017 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN (khoá XI) về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 28 do Phó Chủ tịch Thái Thu Xương trình bày.

Có chỉ tiêu vượt 20%

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, số ban nữ công quần chúng hiện có là 74.833, tăng 4.529 đơn vị so với đầu nhiệm kỳ. Tỉ lệ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thành lập ban nữ công quần chúng theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã đạt 80%, vượt chỉ tiêu 20%. Các cấp CĐ tổ chức 28.268 lớp tập huấn công tác nữ công cho 1.154.853 cán bộ chủ chốt CĐ và trưởng ban nữ công được bồi dưỡng, tập huấn, tỉ lệ bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác nữ công đạt 84% (chỉ tiêu Nghị quyết đề ra 100%).

100% ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đăng ký với Ban chấp hành CĐ cùng cấp tổ chức ít nhất 1 hoạt động tuyên truyền về chính sách, pháp luật cho lao động nữ và thực hiện ít nhất 1 hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền của nữ CNLĐ, đoàn viên CĐ tại đơn vị (đạt chỉ tiêu đề ra).  

Có những nơi như Bình Định tổ chức 52 lớp triển khai cho 16.720 cán bộ chủ chốt, Ban chấp hành, ban nữ công và lao động nữ trong các doanh nghiệp; số đoàn viên và NLĐ được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp là 43.286 người, trong đó có 24.152 lao động nữ, chiếm 55,7%. Hay như Bình Phước, Yên Bái có 100% CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; 100% cán bộ chủ chốt CĐ và Trưởng ban Nữ công doanh nghiệp ngoài nhà nước được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác nữ công...

Có thể thấy, tỉ lệ thành lập và chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã có sự đổi mới cả về số lượng, nội dung và hình thức, tập trung nhiều về nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng theo hướng có lợi hơn cho nữ CNLĐ so với pháp luật. Ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài nhà nước phát huy vai trò tham mưu cho Ban chấp hành  CĐCS trong công tác tuyên truyền các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những vấn đề về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động CĐ; đề xuất nhiều chế độ, chính sách có lợi hơn so với luật định cho lao động nữ, con CNLĐ và tổ chức tốt các phong trào thi đua trong nữ CNLĐ.

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh - khẳng định đây là việc cần thiết, nhất là những nơi đông lao động nữ. Thực tế cho thấy những hoạt động lớn được tổ chức thành phong trào đều có ghi dấu ấn của nữ công, ví dụ như việc chăm lo cho con CNLĐ. Chính vì vậy cần đầu tư và đào tạo cho lực lượng này. 

Nâng cao chất lượng ban nữ công quần chúng 

Bên cạnh tổ chức được nhiều hoạt động hiệu quả dành cho nữ CNLĐ, thực tế cũng cho thấy năng lực cán bộ nữ công của một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhiều cán bộ trẻ còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn; cán bộ làm công tác nữ công ở các CĐCS thường xuyên biến động dẫn đến thiếu cán bộ và cán bộ kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Tại một số đơn vị mới thành lập cán bộ nữ công còn chưa được tập huấn, năng lực phát hiện, lựa chọn vấn đề hạn chế, thiếu kỹ năng phương pháp giám sát, phản biện… 

Để khắc phục tình trạng trên, nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra là thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, nắm chắc số lượng lao động nữ trong các CĐCS doanh nghiệp để kịp thời chỉ đạo củng cố, kiện toàn, thành lập và nâng cao chất lượng ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phát huy vai trò tham mưu của ban nữ công cho ban chấp hành, ban thường vụ CĐ các cấp...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn