MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Ảnh: ĐÌNH HẢI

Báo chí cần cổ vũ kịp thời những điển hình trong thi đua lao động sản xuất

Thu Trà thực hiện LDO | 21/06/2022 06:00

Dưới sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cơ quan báo chí hệ thống Công đoàn đã có những đóng góp hàng đầu trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, cổ vũ đoàn viên, người lao động hăng hái lao động sản xuất. Vai trò của báo chí càng được phát huy trong việc phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay trong lao động sản xuất, góp phần phục hồi kinh tế. Nhân dịp 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2022), trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nhấn mạnh “Báo chí cần cổ vũ kịp thời những điển hình trong thi đua lao động sản xuất”.

Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” (Chương trình) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức đang được triển khai sâu rộng. Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò báo chí trong việc truyền thông, tạo sự lan toả của Chương trình?

- Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” (Chương trình) được phát động, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống Công đoàn, của đội ngũ cán bộ, đoàn viên và người lao động cả nước hưởng ứng, thực hiện chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình cũng tiếp tục cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” và triển khai Chủ đề hoạt động năm 2022 “Chăm lo việc làm, đời sống người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”.

Thực hiện Chương trình, các cấp công đoàn đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các cấp công đoàn tập trung thể hiện tinh thần thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay là đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu suất công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc và toàn diện các nhiệm vụ của đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.

Chương trình được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ tháng 12.2021 đến hết tháng 5.2022): Thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022 với mục tiêu 300.000 sáng kiến (sáng kiến được tính từ 1.9.2021). Giai đoạn 2 (từ tháng 6.2022 đến tháng 9.2023): Chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc (11.6.1948 – 11.6.2023) và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII với mục tiêu 700.000 sáng kiến.

Với sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của các cấp Công đoàn, Chương trình đã hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 1 sớm 20 ngày. Đạt được kết quả đó không thể không kể tới sự đóng góp của các cơ quan báo chí và tuyên truyền trong và ngoài hệ thống Công đoàn. Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao các bài viết về những sáng kiến cụ thể tham gia Chương trình, những kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả Chương trình từ cấp cơ sở được đăng tải rộng rãi trên báo chí nhất là các cơ quan báo chí thuộc hệ thống Công đoàn nói chung và Báo Lao Động nói riêng. Các bài viết đã thể hiện tinh thần sâu sát cơ sở của phóng viên để tìm tòi, phát hiện những tấm gương, những ý tưởng sáng tạo, tạo hiệu ứng truyền thông tích cực, có tác dụng lan tỏa, động viên, cổ vũ chương trình.

Cụ thể, báo chí cần phát huy những gì, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Như đã nói ở trên, giai đoạn 1 của chương trình đã hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Giai đoạn 2 của chương trình còn dài và đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành chỉ tiêu của cả chương trình. Có thể nói mục tiêu 1 triệu sáng kiến tuy không còn xa, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.

Để đạt được mục tiêu của chương trình, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc của các cấp Công đoàn, mỗi cán bộ đoàn viên phải không ngừng sáng tạo; mỗi Công đoàn cơ sở phải phát huy được vai trò tổ chức, động viên người lao động nỗ lực thi đua, đóng góp nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Trong quá trình đó cần đặc biệt quan tâm phát hiện những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt để lan toả cũng như khen thưởng kịp thời.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải (thứ nhất từ trái sang) cùng lãnh đạo Công ty Điện Stanley Việt Nam thăm nhà chị Vũ Thị Xiêm - Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam được Công đoàn hỗ trợ kinh phí xây nhà Mái ấm Công đoàn. Ảnh: KIỀU VŨ

Ở đây báo chí nói chung và báo chí hệ thống Công đoàn nói riêng phải thực hiện tốt chức năng phát hiện, phản ánh để tuyên truyền, nhân rộng, tạo sức mạnh cho Chương trình. Công tác truyền thông cần được tổ chức sâu rộng, toàn diện, thiết thực, hiệu quả, phát huy vai trò chủ lực của cơ quan báo chí, truyền thông trong hệ thống CĐ.

Phát huy kết quả trong thời gian vừa qua, thời gian tới, báo chí cần cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa để Chương trình đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, cần truyền thông thường xuyên về mục đích, ý nghĩa của Chương trình, tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực của cán bộ công đoàn, đoàn viên, công chức, viên chức, lao động  cũng như sự ủng hộ, phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp, tạo điều kiện của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động cho triển khai Chương trình. Thường xuyên bám sát cơ sở nhằm phát hiện, giới thiệu các mô hình hay, cách làm tốt của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giúp cho việc nhìn nhận, đánh giá thực chất những lợi ích của sáng kiến và có những chính sách tốt hơn để động viên, khích lệ nhiều người lao động tham gia hoạt động sáng kiến. Lan tỏa các câu chuyện sáng kiến để thấy được sự đóng góp của tác giả và hiệu quả, giá trị xã hội của sáng kiến, từ đó thay đổi tư duy của cán bộ công đoàn, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng xã hội về phát huy sáng kiến cũng như vai trò của thi đua trong thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh tế xã hội.

Hơn thế, thông qua công tác truyền thông về Chương trình sẽ góp phần xây dựng niềm tự hào về sản phẩm mang trí tuệ của người lao động Việt Nam; khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của cán bộ công đoàn, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động cả nước đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự phát triển chung của đất nước, kịp thời thích ứng với điều kiện bình thường mới.

Thưa đồng chí, nhân 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng chí có mong muốn gì đối với Báo Lao Động cũng như các cơ quan báo chí hệ thống Công đoàn?

- Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Các cơ quan báo chí, trong đó có báo chí hệ thống Công đoàn nói chung và Báo Lao Động nói riêng đã đồng hành cùng tổ chức Công đoàn trong thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động cổ vũ đoàn viên, người lao động hăng hái lao động sản xuất.

Tôi chỉ lấy ví dụ, trong Tháng Công nhân năm 2022, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều bài viết phản ánh hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động cũng như những đổi mới trong hoạt động của tổ chức Công đoàn. Những bài viết này đã làm rõ các giá trị thụ hưởng của đoàn viên, người lao động. Bởi, không chỉ dừng ở việc phản ánh, đưa tin mà các phóng viên còn truyền tải giá trị nhân văn của những hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, sự gắn bó giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn; giúp mỗi đoàn viên công đoàn thấy rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với tổ chức Công đoàn.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường (thứ hai từ trái sang) thăm, động viên công nhân tại dây chuyền may. Ảnh: MAI QUÝ

Nhân 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi mong mỗi cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí hệ thống Công đoàn cũng như Báo Lao Động phát huy sức mạnh hiệu triệu của ngòi bút để tiếp tục thực hiện trách nhiệm của nhà báo đối với người lao động, với tổ chức Công đoàn, với đất nước. Qua đó ngày càng có thêm nhiều bài viết có chất lượng cổ vũ, động viên, lan tỏa phong trào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động góp phần khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Đặc biệt, báo chí hệ thống Công đoàn cần góp phần tích cực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Để làm được điều này, mỗi cán bộ, phóng viên phải đắm mình trong thực tiễn ở cơ sở, qua từng hoạt động hữu ích của Công đoàn. Đây chính là trách nhiệm của báo chí Công đoàn đối với tổ chức Công đoàn, đối với mỗi đoàn viên, người lao động.

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ và cá nhân tôi chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các cơ quan báo chí Công đoàn, đặc biệt là Báo Lao Động đang phải đối mặt trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, với truyền thống và uy tín, chất lượng đã được khẳng định, tôi tin tưởng báo chí Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn để có bước tiến mạnh mẽ và vững chắc hơn trong thời gian tới.

Đặc biệt, Báo Lao Động với vị thế là một trong những tờ báo lớn, lâu đời trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị trí là tờ báo số một bảo vệ quyền lợi người lao động. Đó là niềm tự hào song cũng là trách nhiệm đòi hỏi mỗi cán bộ, phóng viên, biên tâp viên của báo cần ra sức, nỗ lực giữ gìn và phát huy.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn