MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động để giảm việc rút BHXH một lần. Ảnh: Phạm Đông

Bảo đảm an sinh xã hội lâu dài, tránh tình trạng nay đóng, mai rút BHXH

Phạm Đông LDO | 13/12/2023 07:31

Góp ý về dự án Luật BHXH (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị, cần có giải pháp cụ thể để giảm thiểu việc hưởng BHXH một lần; đảm bảo cho những người đang đóng BHXH tiếp cận với một tiêu chuẩn sinh kế tốt. Trong đó, nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn phương án quy định tốt nhất đảm bảo hài hòa giữa lợi ích trước mắt và tính ổn định, lâu dài cho người lao động.

Quan tâm hơn nữa đến các chính sách an sinh xã hội

Đã có 9 năm tham gia BHXH, anh Đồng Trọng Khánh (42 tuổi, quê ở Thanh Hóa), đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) quyết định, sang năm 2024 sẽ nghỉ việc, về quê hưởng BHXH một lần. Sau đó, anh Khánh dự định tiếp tục xin việc ở quê, tái tham gia BHXH. Anh cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm (so với 20 năm như hiện nay) để hưởng lương hưu.

“Tôi mong được giảm thời gian đóng BHXH và được giảm tuổi nghỉ hưu xuống 55 với một số công việc lao động chân tay, nặng nhọc” - anh Khánh chia sẻ.

Không chỉ anh Khánh, nhiều công nhân cũng chung lo lắng khi bản thân không chắc có thể làm đủ 20 năm để nhận lương hưu dù đã đóng BHXH nhiều năm.

Trao đổi với Lao Động ngày 12.12, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, chúng ta đã nỗ lực và thực hiện rất nhiều biện pháp nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, con số ấy dường như vẫn chưa hạ nhiệt, trong khi nước ta đang nỗ lực mở rộng diện bao phủ BHXH.

Đại biểu cho rằng, cần có những chế tài chặt chẽ để người dân không tính toán đến chuyện rút BHXH một lần. Ngoài ra, phương án giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm cũng cần được rà soát kỹ để tránh việc trục lợi chính sách...

Bên cạnh việc sửa đổi Luật BHXH thì đại biểu còn quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội khác, công tác chăm lo cuộc sống cho người lao động, đặc biệt là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu cũng mang tính tích cực hơn. Vì tăng tuổi nghỉ hưu có nghĩa là tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động và sẽ lùi thời điểm hưởng lương hưu đối với đối tượng bảo hiểm bắt buộc. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn đối với quỹ bảo hiểm.

Quy định chặt chẽ để tránh nay đóng - mai rút

Nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng, câu chuyện rút BHXH một lần không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ tác động việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cũng như quy định về việc điều chỉnh số năm tối thiểu đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm. Quy định này cần gắn với các loại hình ngành nghề và lao động để xử lý cho phù hợp, phải đảm bảo nguyên tắc về kinh tế, bình đẳng, tránh tình trạng “nay đóng - mai rút”.

Theo đại biểu, loại ý kiến thứ nhất lựa chọn phương án 1 là giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực. Với quy định hiện nay, người lao động đóng BHXH ít nhất là 8%, doanh nghiệp đóng 14%, khi rút thì người lao động được rút cả phần của doanh nghiệp đóng, có lợi như thế thì không dại gì không rút. Tuy nhiên, ông nhận thấy, quy định như vậy không đi theo nguyên tắc kinh tế, thậm chí sai về nguyên tắc kinh tế.

Loại ý kiến thứ hai lựa chọn phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Đại biểu cho rằng, phương án này cũng không có cơ sở. Hoặc nếu không cho rút BHXH một lần thì cũng không hợp lý, chúng ta cũng chưa thể làm được theo các nước.

Theo đại biểu, nguyên tắc đầu tiên là đóng bao nhiêu thì được rút bấy nhiêu, hoặc Nhà nước cho thêm một phần nữa của phần doanh nghiệp đóng, ít nhất người lao động chỉ được 8%, Nhà nước có thể hỗ trợ thêm bằng cách trích từ nguồn quỹ chung của 14%, thêm khoảng 4% nữa, tức là người lao động được rút lên đến 12%. Khi đó việc rút BHXH một lần sẽ được hạn chế rất nhiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn