MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bảo hiểm thất nghiệp là nội dung quan trọng của Luật Việc làm sửa đổi

QUỲNH CHI LDO | 14/04/2023 18:26
Định hướng sửa đổi, bổ sung theo hướng tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHTN; bổ sung đối tượng người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc đối tượng tham gia BHTN.

Tăng cường hỗ trợ nâng cao tay nghề

Theo đó, Luật Việc làm sửa đổi sẽ tăng cường hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Sửa đổi tên chế độ “hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động” thành “hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động”.

Người lao động cần được hỗ trợ, đào tạo kĩ năng nghề. Ảnh minh họa: Lương Hạnh.  

Sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện theo hướng tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động tiếp cận và thụ hưởng chính sách; quy định rõ người sử dụng lao động được hỗ trợ khi gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo quy định của pháp luật lao động hoặc trong trường hợp thực hiện cam kết chuyển đổi năng lượng.

Về việc tư vấn, giới thiệu việc làm, cần sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng những người đang tham gia BHTN đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Về trợ cấp thất nghiệp: Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Các quy định đóng - hưởng trợ cấp thất nghiệp cần được sửa đổi, bổ sung. Ảnh minh họa: Lương Hạnh

Sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Sửa đổi điều kiện hỗ trợ theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hỗ trợ học nghề gồm: Viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Bổ sung thêm quyền lợi

Luật Việc làm sửa đổi còn bổ sung quy định phạm vi hỗ trợ bao gồm các khoá đào tạo nghề, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Bổ sung quy định người lao động được hỗ trợ chi phí khác trong thời gian học nghề.

Bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ kết dư Quỹ BHTN trong các “cú sốc” như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh.

Sửa đổi, bổ sung quy định về mức đóng theo hướng quy định người lao động đóng “tối đa” bằng 1% tiền lương tháng, người sử dụng lao động đóng “tối đa” bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHTN bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng BHTN phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội.

Sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư Quỹ BHTN: nguyên tắc đầu tư đảm bảo an toàn, bền vững, hiệu quả và thu hồi khi cần thiết; danh mục đầu tư theo tính chất sở hữu, khả năng sinh lời và quản lý rủi ro chặt chẽ, phù hợp với tính chất của Quỹ ngắn hạn.

 Nâng cao hơn nữa về nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động. Ảnh minh họa: Lương Hạnh

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp;

Thực hiện chia sẻ, kết nối dữ liệu thu, chi bảo hiểm thất nghiệp giữa ngành bảo hiểm xã hội với dữ liệu tiếp nhận, giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động – thương binh và xã hội;

Cải tiến mô hình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, nâng cao năng lực của các cán bộ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn