MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình phát tờ rơi tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ảnh: NT

Bảo hiểm thất nghiệp - “phao cứu sinh” cho người lao động

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 24/12/2019 07:27

Hơn 10 năm có hiệu lực, đến nay, các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã thực sự trở thành điểm tựa cho người lao động (NLĐ). Đặc biệt, với những điều chỉnh kịp thời, phù hợp từ Chính phủ, BHTN đã giúp NLĐ thất nghiệp có cơ hội đăng ký tham gia các lớp học nghề, trang bị kỹ năng nghề nghiệp trước khi quay trở lại thị trường lao động.

Để người lao động yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài

Hiện nay, tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, ngoài việc đảm bảo việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định, các công ty, doanh nghiệp này thường xuyên quan tâm và tham gia đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm cho NLĐ, đặc biệt là chế độ BHTN.

Công ty TNHH May Nien Hsing (Khu công nghiệp Khánh Phú) đang có gần 3.000 lao động thường xuyên. NLĐ làm việc tại công ty không chỉ được đảm bảo các quyền lợi về tiền lương, phụ cấp, đóng BHXH, BHYT mà còn được quan tâm, tham gia đóng BHTN. Anh Cao Văn Tiến Trang - Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty - cho biết, ngay khi chính sách BHTN được triển khai, công ty đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rất kỹ về chính sách BHTN tới toàn bộ NLĐ trong công ty. Đồng thời, CĐ có sự hướng dẫn cụ thể đối với quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ khi tham gia BHTN.

“Tham gia BHTN, nếu mất việc vì một lý do nào đó, NLĐ sẽ được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm mới, được chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp. Khi quyền lợi của NLĐ có được đảm bảo thì NLĐ mới yên tâm gắn bó, làm việc lâu dài tại công ty, từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của công ty” - anh Trang nói.

“Phao cứu sinh” cho người lao động

Theo bà Bùi Thị Lan Hương - Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 30.11.2019, số người tham gia BHTN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 120.368 người, tăng 921 người so với năm 2018. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có trên 3.000 lao động có quyết định hưởng BHTN với số tiền trên 41,2 tỉ đồng.

“Để chính sách BHTN thực sự đi vào cuộc sống, trở thành “phao” cứu sinh cho NLĐ, nhiều quy định trong chính sách BHTN cũng đã được điều chỉnh. Nếu như những năm trước, NLĐ hưởng BHTN khó khăn trong việc lựa chọn việc học nghề mới để có cơ hội quay trở lại thị trường lao động bởi mức kinh phí hỗ trợ cho học nghề còn thấp, thì nay, tình trạng này đã được cải thiện. Theo đó, Chính phủ đã quyết định nâng mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ hưởng BHTN lên mức tối đa là 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ mới đã phát huy nhiều tác dụng, giúp NLĐ thất nghiệp có cơ hội được học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm cuộc sống” - bà Hương cho biết.

Liên quan đến việc tham gia BHTN và mức hỗ trợ đối với NLĐ thất nghiệp, trao đổi với PV Lao Động, ông Lã Thanh Tùng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình - cho hay, từ khi mức hỗ trợ cho NLĐ học nghề được nâng lên theo Quyết định 77/2014/QĐ-TTg ngày 1.1.2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định mức hỗ trợ học nghề mới cho lao động đăng ký tham gia BHTN, số lao động đến để đăng ký thất nghiệp, tham gia tư vấn học nghề đã tăng lên rõ rệt.

Ngoài cơ chế mới thì một trong những yếu tố quan trọng giúp công tác định hướng, tư vấn học nghề cho NLĐ thất nghiệp đạt hiệu quả cao là do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình luôn chủ động liên kết với các cơ sở dạy nghề uy tín. Nhằm tổ chức các lớp dạy nghề phong phú, phù hợp với nhu cầu học nghề của NLĐ và các doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ thất nghiệp có nhu cầu tư vấn, học nghề, trung tâm đã bố trí cán bộ tư vấn trực tiếp tại nơi đăng ký BHTN, phối hợp với các phòng lao động đẩy mạnh tuyên truyền nhằm đưa kiến thức đến với các lao động ở xa...

“Nếu như trước đây, mỗi năm chỉ có một vài lao động đến đăng ký học nghề, nay con số này đã tăng lên đáng kể. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã có trên 11.600 lao động được tư vấn học nghề, việc làm. Trong đó, 114 lao động được giới thiệu việc làm và 21 lao động được hỗ trợ học nghề. Chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; đồng thời tăng cường khai thác, tìm kiếm thông tin thị trường lao động, các cơ sở đào tạo có uy tín và ngành nghề phù hợp để tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho NLĐ thất nghiệp trước khi quay lại thị trường lao động. Để từ đó, BHTN thực sự là chiếc “phao” cứu sinh cho NLĐ” - ông Tùng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn