MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ BHXH tuyên truyền về lợi ích BHXH tự nguyện cho người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Ảnh: N.V

Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Giảm bớt khó khăn cho người lao động khi về già

VŨ HẢI - LINH NGUYÊN LDO | 25/10/2018 07:30
Lào Cai là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn nên lực lượng lao động tự do chiếm tỉ lệ cao. Hầu hết họ chưa tham gia BHXH. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền về lợi ích của BHXH tự nguyện, hàng nghìn người đã tham gia loại hình bảo hiểm này để “phòng thân” khi về già.

Người lao động tự do yên tâm khi về già

Kiếm sống bằng kinh doanh cửa hàng tạp hóa, chị Nguyễn Thị Thu Hằng (TP.Lào Cai) hiện có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, chị Hằng luôn trăn trở khi về già, không còn buôn bán được sẽ sống thế nào. Với suy nghĩ như vậy, chị Hằng tìm hiểu và thấy rõ lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện.

“Mỗi tháng, tôi bỏ ra một khoản để đóng BHXH tự nguyện, tuy không nhiều nhưng về già mình có lương hưu như người đi làm công chức. Sau này, tôi có thể tự lo cuộc sống, mà cũng để con cái bớt vất vả lo lắng cho mình lúc tuổi cao sức yếu” - chị Hằng chia sẻ.

Suy nghĩ của chị Hằng cũng như nhiều người khác khi tham gia BHXH tự nguyện ở Lào Cai. Hầu hết họ là những lao động tự do không có hợp đồng lao động vì vậy tham gia BHXH tự nguyện là nhu cầu thiết yếu của họ hiện nay.

“10 năm trước, tôi làm cán bộ xã, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên xin nghỉ việc. Lúc đó, gia đình tôi có 5 khẩu, trong khi cả 2 vợ chồng đều không có việc. Vì vậy, vợ chồng tôi vay mượn mở dịch vụ xay xát phục vụ nhu cầu bà con.

Công việc thuận lợi nên cuộc sống gia đình ổn định dần thì bắt đầu tôi nghĩ tới việc phải tham gia BHXH. Khi nghe đài, đọc báo, tôi thấy BHXH tự nguyện phù hợp với mình nên tham gia” - chị Từ Thị Thử nói.

Mỗi tháng, chị Thử bỏ ra 700 nghìn đồng để tham gia BHXH tự nguyện. Theo chị, mức đóng này phù hợp với thu nhập của gia đình. Mặc dù, hiện có rất nhiều loại hình bảo hiểm thương mại nhưng chị Thử vẫn tin tưởng vào BHXH tự nguyện của Nhà nước để sau này được hưởng lương hưu.

Đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của BHXH tự nguyện

Theo thống kê của BHXH tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.500 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, phần lớn những người tham gia đã từng đóng BHXH khi còn làm việc ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Khi nghỉ việc, họ tìm tới BHXH tự nguyện để sau này được hưởng các chế độ phúc lợi từ BHXH.

Ông Đường Minh Tấn - Phó GĐ BHXH tỉnh Lào Cai - cho biết, BHXH tự nguyện giúp những đối tượng tham gia giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già. Đồng thời chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người dân khi họ đã tự đảm bảo an sinh cho chính bản thân, đồng thời góp phần chia sẻ với cộng đồng và phát triển xã hội.

Tuy nhiên, ông Tấn cho rằng, BHXH tự nguyện chưa thu hút được nhiều người tham gia. Bởi điều kiện kinh tế xã hội của Lào Cai còn nhiều khó khăn, thu nhập người lao động chưa cao.

Ngoài ra, cũng theo ông Tấn, còn có “khoảng giữa” BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó, với BHXH bắt buộc thì người lao động được hưởng 5 chế độ gồm hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử tuất.

Còn với BHXH tự nguyện, người lao động mới chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. “Đây là một trong những hạn chế khiến cho người lao động chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này” - ông Tấn cho biết.

Cũng theo ông Tấn, thời gian tới, để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được tính ưu việt của loại hình bảo hiểm này. Đồng thời, BHXH tỉnh Lào Cai tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân có thể tiếp cận, tham gia loại hình BHXH tự nguyện và mở rộng các đại lý để tăng độ bao phủ BHXH.

Đặc biệt, quy định từ 1.1.2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn: 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn