MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ ngành BHXH thực hiện chi trả chế độ cho người tham gia BHXH. Ảnh: H.A

Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Hạn chế tình trạng trốn, nợ thuế và BHXH

VŨ LÊ LDO | 21/09/2017 06:57
BHXH VN cho biết, hiện nay tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố là 17.510 tỉ đồng, chiếm 6,6% kế hoạch thu, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2016. 

Theo đó: Nợ BHXH: 11.870 tỉ đồng, chiếm 67,8% tổng số nợ; nợ BHTN: 622 tỉ đồng, chiếm 3,6% tổng số tiền nợ; nợ BHYT: 5.018 tỉ đồng, chiếm 28,7% tổng số tiền nợ. Trong đó, đơn vị sử dụng lao động nợ: 1.659 tỉ đồng, chiếm 33,1% tổng số tiền nợ BHYT; ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT chưa chuyển trả 3.359 tỉ đồng, chiếm 66,9% tổng nợ BHYT.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác thu BHXH, BHYT, BHTN đã đạt được một số kết quả nhất định là do BHXH VN chỉ đạo kịp thời, sát thực tiễn, quyết liệt hơn, từ đó tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành; BHXH các tỉnh, thành phố đã kịp thời tham mưu, đề xuất cấp ủy đảng, chính quyền các giải pháp, biện pháp tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; tích cực cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thu, đổi mới phong cách phục vụ chuyển từ hành chính sang phục vụ; cán bộ làm công tác thu, thu nợ thường xuyên bám sát đơn vị, cơ quan quản lý đối tượng, cơ quan tài chính để kịp thời hướng dẫn đơn vị đăng ký tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, lập danh sách người tham gia BHYT, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT đúng thời gian.

Một số địa phương đạt được kết quả cao trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là Bắc Ninh 38,1 nghìn người (tương ứng tăng 13%); Hà Nam 8 nghìn người (tăng 8%); Ninh Bình 7,4 nghìn người (tăng 8,3%); Thái Nguyên 14,3 nghìn người (tăng 7,2%); Vĩnh Phúc 11,4 nghìn người (tăng 7,3%). Trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tỉnh Bình Phước phát triển mới 88,3 nghìn người (tăng 13,2%); Bắc Ninh: 38,1 nghìn người (tăng 13%); Hòa Bình: 90 nghìn người (tăng 13%); Kiên Giang: 130 nghìn người (tăng 10,6%); Bắc Giang: 138,4 nghìn người (tăng 10,2%); Bến Tre: 94 nghìn người (tăng 9,1%).

Một số địa phương có tỉ lệ thu phát sinh trong năm 2017 cao như: Bắc Ninh: 69,1%, Tiền Giang: 69,1% Vĩnh Phúc: 68,5%, Hải Phòng: 67,8%. Đặc biệt, một số địa phương có tỉ lệ nợ thấp hơn nhiều so với tỉ lệ nợ bình quân toàn ngành như: Hải Dương: 2%, Tiền Giang: 2,3%, Đồng Nai: 2,7%, Vĩnh Phúc: 3,3%.

Để hoàn thành các chỉ tiêu Nhà nước giao năm 2017, từ nay đến cuối năm, toàn ngành BHXH quyết tâm tăng cường thanh tra chuyên ngành đối với đơn vị trốn đóng BHXH, BHTN về lao động, số tiền nợ đóng BHXH, BHTN từ 6 tháng trở lên mà BHXH tỉnh chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra; cử cán bộ trực tiếp xuống địa phương để đôn đốc phát triển đối tượng tham gia, thu - nộp, giảm nợ tới mức thấp nhất, kịp thời phát hiện tồn tại, vướng mắc trong công tác thu, đồng thời chấn chỉnh những việc làm chưa đúng với quy định; chấn chỉnh, chuyển đổi mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động thực sự sang tác phong phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người tham gia BHXH, BHYT.

BHXH các địa phương cần thực hiện tốt quy chế phối hợp với cơ quan thuế đã được ký kết, nâng cao hiệu quả quản lý của mỗi ngành, quản lý chặt chẽ, chính xác hơn đối tượng nộp thuế, nộp BHXH; hạn chế tình trạng trốn, nợ thuế và BHXH; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp lạm dụng; kịp thời lập và chuyển hồ sơ đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN cho LĐLĐ các cấp để khởi kiên ra tòa án. Đến 31.12.2017, mỗi tỉnh, thành phố phải khởi kiện ít nhất 20 doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung vào một số nhóm đối tượng như: Đối thoại trực tiếp với người sử dụng lao động, người lao động tại các khu công nghiệp; tuyên truyền đến từng gia đình, từng khu dân cư, thôn, bản vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn