MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giơ cao ấn phẩm đặc biệt của báo Lao Động “Báo chí đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp” tại cuộc họp của Chính phủ nhân 21.6.2017.

Báo Lao Động: 88 năm trưởng thành cùng đất nước

Linh Anh LDO | 14/08/2017 00:26
Một trong những hình ảnh ấn tượng đối với những người làm báo Lao Động, đó là tại cuộc họp của Chính phủ nhân 21.6.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giơ cao ấn phẩm đặc biệt của báo Lao Động “Báo chí đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp” để nhắc nhở vị trí, vai trò của báo chí nói chung, báo Lao Động nói riêng về sự lan tỏa trách nhiệm xã hội cùng doanh nghiệp và vì người lao động, đóng góp vào mục tiêu xây dựng Chính phủ “liêm chính, kiến tạo và hành động”.

Đó cũng là những giá trị cốt lõi mà tập thế cán bộ phóng viên báo Lao Động đang kế thừa và phát triển những thành tựu đáng tự hào của những thế hệ đi trước trong 88 năm phát triển.

Từ ngõ Thông Phong…

Tháng 6.1929, Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng ta đã được thành lập. Ngay sau đó, Đông Dương Cộng sản Đảng đã chủ trương thành lập Tổng công hội Đỏ Bắc Kỳ nhằm tập hợp đoàn kết công nhân, lao động  để đấu tranh chống thực dân- phong kiến.

Ngày 28.7.1928, Tổng công hội Đỏ Bắc Kỳ được thành lập. Sự ra đời này  đưa đến sự xuất hiện báo chí của giai cấp công nhân và Tổ chức công đoàn Việt Nam bằng việc tiến hành xây dựng bộ máy và xuất bản đồng thời hai ấn phẩm  là báo Lao Động và Tạp chí Công hội Đỏ.

Theo phân công, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trực tiếp phụ trách nội dung hai ấn phẩm trên. Để đảm bảo bí mật tờ báo thông qua cơ sở cách mạng, đồng chí Trần Ngọc Hải (người được tổ chức phân công làm trị sự) đặt nơi làm việc của báo Lao Động tại ngôi nhà nhỏ  cuối ngõ Thông Phong- Hà Nội. Đây là nhà của hai mẹ con nghèo. Mẹ thu mua đồng nát, con kéo xe. Lúc đầu đồng chí Hải thuê giá 1,5 đồng/ tháng, sau đó chủ nhà không lấy tiền thuê vì có cảm tình với cách mạng.

Vượt qua nhiều khó khăn, số thứ nhất báo Lao Động ra ngày 14.8.1929, được in ấn bằng phương pháp thủ công trên mặt giấy Đáp Cầu.  Đây là loại giấy để gói thuốc lào và bán rẻ.

Số báo thứ  nhất in đậm dòng chữ “Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức  trên toàn thế giới đoàn kết lại”.

Ra đời trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, tuy không xuất bản đều đặn định kỳ nhưng Lao Động tiếp tục là tiếng nói của giao cấp công nhân, nhân dân Lao Động trong kháng chiến chống Pháp.

Năm 1949, trong bức thư gửi tập thể cán bộ phóng viên báo Lao Động, đồng chí Trường Chinh- Tổng bí thư Đảng đã căn dặn: “Báo Lao Động phải bàn đến những vấn đề thiết thực của đời sống lao động, phải hiểu nguyện vọng chính đáng của anh chị em công nhân. Lời văn cần gọn gàng dễ hiểu hợp với trình độ hiểu biết trung bình của người lao động Việt Nam lúc này”.

Một năm sau, trong số báo Canh Dần 1950, chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến vai trò của báo Lao Động: “Năm mới tôi gửi lời thân ái chúc anh chị em lao động tiến bộ về mọi mặt. Sau đây để trả lời cho báo Lao Động, công nhân Việt Nam phải xung phong trên mọi công việc kháng chiến kiến quốc. Đánh tan thực dân, giải phóng dân tộc, giành lại thống nhất và độc lập, xây dựng nước Việt Nam dân chủ mới- tức là đấu tranh cho hòa bình và dân chủ thế giới”.

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành niềm vinh dự lớn lao của báo Lao Động  và cũng là điều Bác muốn ở cán bộ, phóng viên của Báo “Các chú và các cô thi đua nhau… cho xứng đáng là người tiên phong trên mặt trận báo chí”.

Trưởng thành cùng đất nước và lan tỏa trách nhiệm xã hội

Nhiều thế hệ phóng viên đến và đi, nhiều người gán bó cả đời với báo Lao Động, có cả lớp con - cháu những người làm báo Lao Động cũng chọn báo là ngôi nhà thứ hai, là nơi nối tiếp truyền thống cha ông, có những nhà báo đã hy sinh khi làm nhiệm vụ như những nhà báo- liệt sĩ Võ Văn Ngoạn, Lê Ái Mỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nhắc tới Lao Động không thể không nhắc đến vai trò của một tờ báo của giao cấp công nhân trước những bước đi trọng đại của dân tộc: từ Cách mạng tháng Tám tới ngày Miền nam giải phóng- đất nước hoàn toàn thống nhất; từ công cuộc đổi mới của Đảng cách đây 30 năm cho tới quá trình  góp phần xây dựng các chính sách, nêu những cái hay, cái đẹp trong lao động sản xuất, đồng thời cũng là những chiến sĩ tiên phong trong việc đấu tranh chống tiêu cực…

Qua những sự kiện lớn, Lao Động cũng trưởng thành cùng đất nước, vững vàng với lớp cán bộ phóng viên “bản lĩnh, trí tuệ” luôn đề cao tính “xây dựng” trong phản biện chính sách, đấu tranh với tiêu cực.

Một trong những dấu ấn sâu đậm của Lao Động chính là việc tham gia vào các hoạt động xã hội.

Từ sáng kiến của nguyên Tổng Biên tập Báo Lao Động Phạm Huy Hoàn, năm 1996, Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động đã ra đời, tự nhiên như khi chúng ta quyết định làm một việc nhân ái. Và trong vòng 5 năm, Quỹ Tấm Lòng Vàng đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công nhận, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Tới tháng 8.2001, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN quyết định nâng cấp Quỹ thành Quỹ xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng, trực thuộc Tổng LĐLĐVN.

Hơn 20 năm đã trôi qua, Quỹ Tấm Lòng Vàng ngày nay đã là một trong những Quỹ xã hội từ thiện uy tín nhất trên toàn quốc. Đội ngũ những người làm công tác Quỹ đã phát triển lớn mạnh, với sự chung tay góp sức của cả hệ thống công đoàn. Quỹ XHTT Tấm Lòng Vàng đã trở thành một cái tên quen thuộc về hoạt động xã hội từ thiện, là địa chỉ tin cậy của các nhà hảo tâm.

Những chương trình của quỹ giờ đây đã quá quen thuộc với cộng đồng, như “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa”, “Tấm lưới nghĩa tình”, “Mái ấm Công đoàn”. Từ số tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm trên khắp cả nước, những con tàu đã được sửa chữa và đóng mới, thẳng tiến ra khơi. Hàng nghìn “mái ấm” của tình công đoàn cũng được trao tới những công nhân lao động, đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn. Trong tương lai, sẽ còn rất nhiều căn nhà mang tên công đoàn, không chỉ làm thay đổi cuộc sống mà còn chắp cánh ước mơ, nỗ lực vượt khó của CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Rồi những “Tết sum vầy”, “Cùng em đến trường”, “Sẻ chia cùng chiến sĩ không quân”… đã kết nối những vòng tay nhân ái, để đồng bào mình thấy không đơn độc khi lâm cảnh khó khăn, hoạn nạn, để thấy ấm lòng khi nhận được những san sẻ, để thấy giữa những nỗi đau còn có tình người.

Đó còn là Chương trình Vinh quang Việt Nam- vinh danh những cá nhân tập thể xuất sắc có đóng góp nhiều cho xã hội. Vinh quang Việt Nam đã trở thành một điểm nhấn, một thương hiệu mang tên báo Lao Động.

Cũng không thể không nhắc đến Bảng xếp hạng Doanh nghiệp vì người lao động, nơi tôn vinh những doanh nghiệp biết chăm lo tới đời sống, vật chất- nơi mà người Lao Động có thể tin yêu làm việc để đóng góp công sức vào sự phát triển chung của xã hội.

Đồng hành cùng Lao Động là những tập đoàn lớn, những doanh nghiệp trong việc chăm lo cho người lao động. Người lao động là gốc của doanh nghiệp cùng lan tỏa trách nhiệm xã hội, giờ đây cũng là nhiệm vụ, cũng là những giá trị mà thế hệ cán bộ, phóng viên báo Lao Động đang tiếp nối những thế hệ đi trước, để ngày một làm dày thêm trang sự vẻ vang của Báo Lao Động - Cơ quan ngôn luận của Tổng LĐLĐVN, tiếng nói của công nhân viên chức lao động cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn