MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Báo Lao Động hỗ trợ công nhân khó khăn, trẻ mồ côi do COVID-19 ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Báo Lao Động cùng công nhân vượt khó

ĐÌNH TRỌNG LDO | 10/08/2022 11:34

Bình Dương là một trong những tỉnh đông người lao động nhập cư ở Đông Nam Bộ. Đa số người lao động xa quê còn đi ở trọ có cuộc sống bấp bênh, khó khăn. Hằng năm, Báo Lao Động cùng với các doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn tổ chức hoạt động hỗ trợ công nhân lao động khó khăn, trong đó có chương trình Vé xe 0 đồng đưa người lao động về quê đón Tết. 

Chung tay hỗ trợ công nhân lao động khó khăn

Năm 2021, Bình Dương xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng, nhiều lao động bị mất việc làm, chỉ biết ở nhà trọ để tránh dịch. Đến tháng 7.2021, hàng nghìn lao động rơi vào cảnh cạn tiền tích trữ, trong phòng trọ hết sạch gạo và đồ ăn.

Trong bối cảnh đó, Báo Lao Động đã kịp thời phản ánh đời sống của người lao động ở các khu trọ đang gặp khó khăn, từ đó, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, cơ quan chức năng địa phương đưa gạo và thực phẩm vào các khu phong tỏa cho người lao động.

Phóng viên Báo Lao Động trao hỗ trợ Chương trình 1.000 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt) cho công nhân khó khăn ở Bình Dương thời điểm tháng 8.2021. Ảnh: Hoàng Trung

Bên cạnh đó, qua các bài viết của Báo Lao Động, nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân ở ngoài tỉnh Bình Dương cũng hướng về Bình Dương chung tay chống dịch và hỗ trợ người dân khó khăn. Đáng chú ý, ngay thời điểm đầu đợt dịch thứ 4, Báo Lao Động phối hợp cùng đối tác ngân hàng đã hỗ trợ nhanh 1.000 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt) cho công nhân bị mất việc làm đang gặp khó khăn trong các dãy trọ. Sự chia sẻ kịp thời của Báo Lao Động đã giúp 1.000 công nhân lao động ở Bình Dương có tiền mua gạo, đồ ăn trang trải qua những ngày khó khăn nhất. 

Khi dịch bệnh được kiểm soát, Báo Lao Động tiếp tục rà soát nắm bắt thông tin của trẻ em mồ côi do cha mẹ là công nhân lao động tử vong vì COVID-19. Những phần quà hỗ trợ nhanh cho trẻ mồ côi được nhanh chóng chuyển đến khu trọ.

Đáng chú ý, Báo Lao Động đã hỗ trợ chăm sóc nuôi 3 cháu bé mồ côi cả cha và mẹ do COVID-19. Hằng tháng, mỗi cháu được hỗ trợ 3 triệu đồng để đóng tiền học phí và lo tiền ăn. Phóng viên Báo Lao Động cũng thường xuyên thăm hỏi động viên các cháu.

Sự hỗ trợ kịp thời giúp chúng tôi vượt qua khó khăn

Cho đến nay, anh Bùi Văn Nhi (47 tuổi, quê Đồng Tháp) - công nhân KCN Đại Đăng (Thủ Dầu Một, Bình Dương) - vẫn chưa thể quên những khó khăn trong cơn đại dịch năm 2021.

"Khoảng giữa tháng 6.2021, công ty khan hiếm đơn hàng, vợ chồng tôi bị mất việc làm. Thời điểm này có đi tìm việc ở công ty khác cũng không được vì đang dịch, mà về quê cũng không được, chỉ còn biết ở tại nhà trọ cầm cự, chờ đợi.

Tuy nhiên, 2 tháng ở nhà, ăn tiêu mãi không đi làm thì tiền tích lũy cũng hết. Trong nhà không còn gạo, không còn đồ ăn tích trữ. Đúng lúc này, chúng tôi nhân được hỗ trợ 1 triệu đồng từ Báo Lao Động. Ngay sau đó, chúng tôi đi mua 30kg gạo để tích trữ và mua thêm đồ ăn. Cũng nhờ đó mà cầm cự qua được mùa dịch tiếp tục ở lại Bình Dương để đi làm cho tới nay" - anh Nhi nói.

Anh Bùi Văn Nhi - công nhân được nhận hỗ trợ. Ảnh: Đình Trọng

Chị Lê Thị Lam - (38 tuổi, quê Thanh Hóa) - làm việc trong công ty ở KCN VSIP II cũng cho biết, trong thời điểm dịch bệnh, chị tham gia làm việc 3 tại chỗ đã nhận được sự hỗ trợ của công đoàn và nhiều sự hỗ trợ khác sau này. Đặc biệt, thời điểm dịch bệnh xảy ra nặng nề, người em dâu của chị bị mắc COVID-19 từ vong để lại con trai Nguyễn Thành Phi (8 tuổi). Gia đình chị Lam cũng làm công nhân ở trọ gặp nhiều khó khăn thời điểm này.

"Lúc đó, nhờ sự hỗ trợ Công đoàn Bình Dương, của Báo Lao Động giúp gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt hàng tháng, Báo Lao Động hỗ trợ cháu Nguyễn Thành Phi 3 triệu đồng. Có số tiền này, giúp chúng tôi đỡ đi phần vất vả để chăm lo cho cháu được trưởng thành. Hiện cháu ở với chúng tôi tại Bình Dương, năm học tới vào lớp 3 rồi. Chúng tôi cảm ơn Báo Lao Động nhiều lắm'' - chị Lam chia sẻ.

Báo Lao Động hỗ trợ cháu Nguyễn Thành Phi mồ côi mẹ do COVID-19. Ảnh: Đình Trọng

Chúng tôi trở lại nhà trọ thăm chị Trần Thị Hoa (34 tuổi) - công nhân may, Thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), nay cuộc sống đã ổn định hơn. Chị vào công ty làm thời vụ và con trai chuẩn bị vào lớp 6.

"Thời điểm phong tỏa, khó khăn quá, tôi phải lên mạng nhờ sự hỗ trợ. Sau đó, tôi được Báo Lao Động đã chuyển khoản nhanh hỗ trợ tôi 5 triệu đồng. Thất nghiệp thời gian dài, chúng tôi đã cạn kiệt tiền tích lũy. Số tiền này với mẹ con tôi là rất lớn, giúp mẹ con tôi mua gạo đồ ăn, thuốc... để vượt qua thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời. Tôi xin gửi lời cảm ơn Báo Lao Động" - chị Hoa bày tỏ.

Cuộc sống chị Lê Thị Hoa nay đã ổn định. Ảnh: Đình Trọng

Cùng nhận được sự hỗ trợ của Báo Lao Động, đến nay, em Nguyễn Văn Hà (18 tuổi, quê Sóc Trăng) và em trai Nguyễn Kỳ Nam (11 tuổi) đã ổn định cuộc sống, tiếp tục gắn bó với Bình Dương. Tháng 8.2021, dịch bùng phát nghiêm trọng, nhà trọ bị lây nhiễm dịch bệnh, mẹ của Hà bị mắc COVID-19 nhập viện mấy hôm là mất. Hai anh em ở trong phòng trọ không biết tương lai sẽ ra sao, Thậm chí cũng không biết lo ma chay cho mẹ như thế nào.

''Giữa lúc ấy, các cô chú cán bộ Công đoàn tỉnh Bình Dương đến phòng trọ hỗ trợ tiền ma chay cho mẹ, rồi tiền ăn cho 2 anh em. Sau đó, Báo Lao Động tiếp tục hỗ trợ em Kỳ Nam mỗi tháng 3 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ này, cháu đỡ đi một phần lo lắng để nuôi em tốt hơn. Hiện cháu đã vào công ty làm công nhân, sau này em Kỳ Nam lớn cháu sẽ cố gắng để em đi học nghề tử tế. Không biết nói gì hơn, cháu xin gửi lời cảm ơn Báo Lao Động cùng các cô chú cán bộ Công đoàn ở Bình Dương" - Hà bày tỏ.

Báo Lao động hỗ trợ 2 anh em Hà và Phi vượt qua khó khăn khi mồ côi mẹ do COVID-19. Ảnh: Đình Trọng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn